Multimedia Đọc Báo in

Chụp hình trên đường giao thông: “Tự sướng” hay tự hại mình?

09:26, 26/05/2024

Chụp ảnh “tự sướng” (selfie) là sở thích mà nhiều người hưởng ứng, nhất là giới trẻ.

Tuy nhiên, không ít người vì lạm dụng sở thích này mà bất chấp chụp ảnh ở mọi nơi, kể cả trên cầu, đường bộ, đường ray tàu hỏa, không ít trường hợp gặp họa chỉ vì hành động tưởng chừng như vô hại này.

Mới đây, UBND thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình ra quyết định xử phạt hành chính đối với 14 người có hành vi chụp ảnh giữa đường gây cản trở giao thông. Trước đó, trên mạng xã hội Facebook đăng tải hình ảnh một nhóm khoảng 17 người (trong đó có 3 trẻ em) là công dân tại địa phương tạo thế yoga chụp ảnh trên đường, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông và mất trật tự công cộng.

Một nhóm người ở thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) tạo thế yoya giữa đường để chụp hình "tự sướng". Ảnh: Internet

Tương tự, cuối tháng 4 vừa qua, trên mạng xã hội cũng đăng tải một đoạn video về đoàn xe sang đi rước dâu ở tỉnh Hải Dương dừng, đỗ xe ở lòng đường để quay phim, chụp ảnh. Hành động này gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác lưu thông trên đường, gây ùn tắc giao thông. Sau đó lực lượng chức năng của địa phương đã khẩn trương vào cuộc, xác minh làm rõ vụ việc. Ngày 19/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra hành vi “Gây rối trật tự công cộng” đối với các trường hợp liên quan.

Việc chụp ảnh “tự sướng” không đúng nơi, đúng chỗ không chỉ bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự như các vụ việc nêu trên, thực tế không ít trường hợp đã mất mạng vì chấp nhận mạo hiểm để có những bức ảnh đăng tải lên các tài khoản cá nhân hoặc hội nhóm. Mỗi năm, thế giới ghi nhận nhiều vụ tai nạn và nhiều cái chết thương tâm của giới trẻ chỉ vì muốn có ảnh selfie độc đáo chia sẻ lên mạng xã hội.

Theo một nghiên cứu đã được công bố, từ tháng 10/2011 đến tháng 11/2018, có 259 trường hợp tử vong khi cố chụp ảnh “tự sướng” được ghi nhận trên khắp thế giới và con số này vẫn đang có chiều hướng tăng. Trong đó, số vụ tử vong do selfie nhiều nhất được ghi nhận ở Ấn Độ, tiếp theo là Nga, Mỹ và Pakistan.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, các vụ tai nạn liên quan đến hành động selfie cũng diễn ra khá phổ biến. Đơn cử, vào giữa năm 2016, hai công nhân của một khu công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên, trên đường đi làm về dừng lại chụp ảnh “tự sướng” gần khu vực đường ray tàu hỏa và bị tàu cán tử vong.

Các bạn trẻ chụp hình giữa đường Võ Nguyên Giáp (đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột).

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân chính của những vụ tai nạn khi chụp ảnh “tự sướng” chủ yếu bởi người dùng quá tập trung vào màn hình của máy ảnh hoặc smartphone thay vì chú ý đến môi trường xung quanh, khiến họ bị ngã hoặc bị va chạm bởi các phương tiện giao thông.

Thậm chí, một số trường hợp còn mạo hiểm chọn các vị trí cao, nguy hiểm hoặc các tuyến đường giao thông cho phép phương tiện di chuyển với tốc độ cao như cao tốc để ghi lại "khoảnh khắc yêu thích".

Tuy nhiên, việc bất chấp mạo hiểm để chụp ảnh “tự sướng” trên các công trình giao thông, nhất là ở những khu vực có nhiều phương tiện lưu thông là hành động cần lên án, bởi điều đó không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn, va chạm giao thông do hành vi ngang nhiên lấn chiếm lòng đường, dẫn đến nguy hiểm cho bản thân mà còn gây bức xúc cho người khác.

Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rất rõ, lòng đường là nơi dành riêng cho xe cơ giới. Người đi bộ chỉ được băng cắt qua đường ở những điểm có vạch sơn hoặc ở những điểm có thể qua đường mà đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông đang lưu thông.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc