Multimedia Đọc Báo in

Nam Lào ký sự (bài 3)

08:31, 25/06/2023

Đường nhựa tốt chạy xuyên giữa những cánh rừng mùa khô vàng cháy, thi thoảng hiện ra một bản làng chừng vài mươi nóc nhà và nổi bật là những ngôi chùa mang nét kiến trúc đặc trưng chùa Lào.

Khác với Việt Nam vốn nhiều sông suối với Quốc lộ 1 dày đặc những cây cầu dài có, ngắn có; còn dọc theo Quốc lộ 13 của Lào lâu lâu mới xuất hiện một chiếc cầu nhỏ dài chừng 10 - 15 m bắc qua những con suối nhỏ. Không có cầu lớn bởi Quốc lộ 13 đoạn này gần như chạy song song với dòng Mekong.

Xe đưa chúng tôi đến một thị tứ nhỏ ở ven bờ sông Mekong. Từ đây chúng tôi mua vé thuyền máy ra một đảo lớn có tên là Đon Det. Đến đây phải giải thích rằng, trong tiếng Lào, “đon” có nghĩa là “đảo”. Đon Det chỉ là một đảo nhỏ trong vùng địa lý có tên Si Phan Đon là một quần đảo ôm một phần lưu vực rộng lớn của dòng Mekong. Cũng theo tiếng Lào, “Si” là số đếm “bốn”, “Phan” là số đếm “ngàn”, “Si Phan Đon” nghĩa là “Bốn ngàn đảo”. Si Phan Đon có xấp xỉ 4.000 đảo, tất nhiên có đảo lớn, đảo bé và cả những cồn đất tí xíu mọc đầy cây dại, tính “đảo” là nói theo cách công nhận một “thực thể” địa lý. Sách vở nói rằng, khi mùa mưa, nước dâng cao, Si Phan Đon chỉ còn khoảng một nửa, tức chỉ xấp xỉ 2.000 đảo cao hơn mực nước.

Đon Det – một trong bốn đảo lớn nhất ở Si Phan Đon.

Sông Mekong đoạn này có chiều ngang cả chục cây số, thuyền máy từ bờ ra đảo nằm ở giữa sông mất chừng mười lăm phút. Đon Det hiện ra như một cù lao xanh, có rừng và một bãi cát dài dốc dứng. Tôi thực sự ngạc nhiên bởi Đon Det có diện tích khá lớn, là một trong bốn đảo lớn của Si Phan Đon xếp theo thứ tự gồm: Đon Khong, Đon Som, Đon Det và Đon Khon. Đảo lớn, lại nằm ngay giữa dòng Mekong nên Đon Det trở thành điểm du lịch nổi tiếng, ở đây có nhiều khách sạn, homestay, nhà hàng, luôn đông nghịt du khách với nhiều quốc tịch khác nhau. Buổi chiều ở Đon Det tôi thuê chiếc xe máy, giá thuê khá rẻ, chỉ 60.000 kíp Lào (hơn 80.000 đồng Việt Nam) chạy quanh đảo. Hóa ra, Đon Det nối với Đon Khon chỉ một chiếc cầu. Ở cả hai hòn đảo này tôi bắt gặp nhiều bản làng, có cả trường học, chùa và nhiều thắng cảnh như suối Ma, thác Lhiphi…

Buổi tối ở Đon Det, giữa Si Phan Đon rộng lớn, tôi miên man nghĩ về sông Mekong. Hàng trăm năm trước, nhiều tộc người cổ ở Tây Nguyên (Việt Nam), ở Lào, Campuchia hẳn đã theo dòng sông này tìm miền đất hứa. Nói đâu xa, dấu tích người Lào đến định cư ở tỉnh Đắk Lắk ngày nay chính là Buôn Đôn. Giống như Si Phan Đon, “Buôn Đôn” trong tiếng Lào nghĩa là “Làng Đảo”. Nhiều năm trước, tôi thường xuyên ghé Buôn Đôn và nhận ra nét văn hóa, ẩm thực Lào vẫn còn phảng phất ở đâu đó bên dòng Sêrêpốk. Tôi cũng bâng khuâng, hàng trăm năm qua, bao nhiêu con nước ở những dòng sông Tây Nguyên đổ vào Mekong, gom lại ở Biển Hồ (Campuchia) và ào ạt xuôi về Cửu Long chín nhánh của miền Tây Nam Bộ. Bao nhiêu hạt phù sa lãng đãng từ miền cao nguyên bazan trôi qua nước bạn láng giềng để cuối cùng quay về bồi đắp châu thổ đất Mẹ.

Buổi tối ở Đon Det, bên bờ cát ở bến thuyền cạnh mé sông, nhóm du khách nào đó đã đốt một đống lửa. Ngọn lửa gặp gió thổi lên từ lòng sông hắt sáng, nước sông Mekong gặp gió cũng duềnh lên từng con sóng. Trong các nhà hàng nổi ven sông, nhiều tốp du khách đang thưởng thức những món ăn mang hương vị đặc trưng như cá nướng đánh bắt từ dòng Mekong, rau rừng hái trên những hòn đảo và loại rượu thơm ngọt như chắt ra từ sâu thẳm của dòng sông mà nếu tính về lưu lượng nước được xếp vào top 10 trên thế giới. Chỉ một lúc sau, khi ngọn lửa bùng lên, thắp sáng cả triền sông, những cô gái Lào trong trang phục truyền thống nhẹ nhàng bước ra. Tiếng nhạc và những bước chân theo điệu phòn quấn quyện vào nhau. Nhà thơ Trần Tuấn như không cưỡng được lòng mình, đứng lên hòa vào dòng du khách phòn theo điệu nhạc.

“Biển” ở vùng Nam Lào là một khúc sông rộng ở đảo Khong.

Chỉ mươi giờ trải nghiệm với Đon Det mà tôi cảm giác như mình đã ở cả tuần lễ. Nhiều câu chuyện thú vị nhưng tôi nhớ mãi một địa danh ở góc đảo gọi là “biển”. Thú thực, khi nghe anh bạn người Lào gốc Việt BuonThong Phounsavat rủ tôi đi thăm “biển” tôi rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi Lào là quốc gia không có biển, ngay cả trong vốn từ thường nhật của người Lào cũng không có từ để chỉ “biển”. BuonThong nói bằng tiếng Việt lơ lớ nên tôi hỏi lại, ở đây làm gì có biển? Hóa ra, “biển” của BuonThong, của cư dân Đon Det là một khoảng sông Mekong nước xanh ngắt như màu nước biển, kề bên bãi cát dài, nhìn ra xa là những tảng đá đủ các hình thù kỳ lạ. Trên bờ cát cũng có vài ba tay lưới đánh cá của ngư dân phơi nắng, dưới mép sông cũng có những chiếc thuyền máy đợi giờ buông lưới, cảnh tượng không khác mấy những làng chài duyên hải miền Trung của Việt Nam.

Buổi tối cuối cùng trước khi chia tay Đon Det, chúng tôi tập trung ra bến thuyền vừa tắm vừa đợi ngắm hoàng hôn trên sông. Nước sông mát lạnh vỗ về khắp châu thân. Hàng chục du khách cùng ồ lên khi thấy mặt trời như quả cam đỏ ối từ từ lặn xuống đường chân trời, muôn ngàn tia nắng cuối ngày thắc thỏm trên mặt sông, như nuối tiếc một ngày đã qua hay có thể mong ngóng chờ đêm xuống.

Rồi phút chia tay Đon Det cũng đến, chiếc thuyền máy chở đoàn lại vạch một đường sóng ngoằn ngoèo quanh các cù lao rải rác giữa mặt sông xanh thẫm buổi bình minh. Nhà thơ Trần Tuấn bâng khuâng vỗ nhịp mạn thuyền. Tôi hiểu cảm giác của anh vào lúc này. Tôi cũng vậy, tâm trạng thắc thỏm như ánh nắng của hoàng hôn chiều qua, thao thức chờ đợi một lần trở lại Si Phan Đon…

Đón đọc bài 4: Chạm mặt Khone Phapheng

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.