Multimedia Đọc Báo in

Nam Lào ký sự (Bài cuối)

09:19, 16/07/2023

Bài cuối: Giã biệt Champasak

Sẽ thiếu sót nếu tôi không kể chuyện uống cà phê ở vùng đất Nam Lào. Ngày đầu tiên ở Pakse cũng như những ngày tiếp theo, lúc ở đảo Đon Det hay Khone Phapheng (Si Phan Đon), theo thói quen mỗi sáng tôi phải dùng một tách cà phê. Cũng như ở Việt Nam, cà phê Nam Lào có nhiều hương vị tùy theo sở thích cá nhân, cà phê dành cho du khách Tây có, du khách châu Á có, nhưng đa phần tôi thấy người Lào uống cà phê gần giống với người Việt Nam, cả hương vị lẫn cách pha chế. Buonthong, người bạn đồng hành là dân Lào gốc Việt định cư ở Pakse nói với tôi: “Có lẽ người Lào gốc Việt, gốc Hoa định cư đông ở Nam Lào nên thức uống cà phê cũng tương tự Việt Nam”.

Không chỉ tương tự về cách uống cà phê mà còn có những tương đồng nhiều mặt, chuyện đó kể sau. Buonthong vốn tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị kinh doanh ở Đại học Pakse nhưng anh không làm việc ở cơ quan nhà nước mà chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng. Buonthong bảo, đất nước Lào đang phát triển, nhu cầu xây dựng lớn nên làm ăn rất thuận lợi, thu nhập cao. Đúng như lời Buonthong, đất nước Lào đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Như tỉnh Champasak này, cách đây chỉ độ một thập niên, đời sống người dân còn khó khăn, giao thông đi lại không mấy thuận tiện. Nay thì đã khác, đô thị Pakse chẳng hạn, quy hoạch khang trang, nhiều khu đô thị đẹp cạnh bờ sông Mekong, đường sá rộng rãi, thậm chí có cả sân bay. Tỉnh Champasak thuộc cao nguyên Boloven nên khí hậu, thổ nhưỡng gần giống Tây Nguyên, cây trồng chủ lực cũng là cà phê, chè và các loại cây công nghiệp khác.

Những ngôi nhà sàn ở biên giới nước bạn Lào.

Trò chuyện với Buonthong tôi mới biết, đầu tháng 2/2023, ở Nam Lào đã tổ chức Lễ hội cà phê, trà và sản phẩm nông nghiệp cao nguyên Boloven cùng lúc với Hội nghị xúc tiến thương mại – đầu tư và cũng là thời gian diễn ra Lễ hội Wat Phou – Champasak. Lễ hội này là dịp để Hiệp hội các hợp tác xã cà phê Lào quảng bá sản phẩm cà phê hữu cơ và cũng là dịp để các doanh nghiệp cà phê Việt Nam tìm hiểu thị trường Lào. Nghe Buonthong kể, đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk sang tham dự lễ hội có cả Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê làm Trưởng đoàn. Cũng tại lễ hội này, ba tỉnh thành của Việt Nam có gian hàng trưng bày sản phẩm cà phê của các doanh nghiệp gồm Đắk Lắk, Bình Phước và Đà Nẵng. Cũng nhân sự kiện này mà tỉnh Đắk Lắk đã mời đoàn tỉnh bạn Champasak sang tham gia, giao lưu tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức khoảng một tháng sau đó, tức vào giữa tháng 3/2023.

Trước ngày tôi chia tay xứ sở Nam Lào, Buonthong dùng chiếc xe bán tải chở tôi dạo quanh một vòng. Từ Pakse có nhiều ngả đường tỏa ra các tỉnh ở Nam Lào, lên đến tận thủ đô Viêng Chăn. Xe chạy qua rất nhiều những vườn sầu riêng, xoài, chôm chôm, cà phê, cao su… làm tôi cứ ngỡ mình đang ở đâu đó trên đất Tây Nguyên hoặc miền Đông Nam bộ. Theo đường lớn như Quốc lộ 13, Quốc lộ 16 W, đường 20, nơi tập trung nhiều vùng cây trái chuyên canh nên dọc ven đường có rất nhiều hàng quán bán mặt hàng chủ yếu là trái cây. Xe dừng lại thăm thú và tranh thủ nếm vị trái cây đất bạn. Tôi không rành lắm nhưng mấy chị em “phượt” cùng cứ tấm tắc khen, nào là sầu riêng da xanh khổ qua gì đó có vị đắng nhẹ hấp dẫn, ngon miệng hơn sầu riêng Thái, xoài Lào thì ngọt thanh, chỉ tiếc hạt hơi lớn… Mùa này chưa có chôm chôm, nghe bảo vào mùa chôm chôm, hai bên đường sẽ lúc lỉu những chùm chôm chôm đỏ mọng. Nhưng không sao, chỉ câu nói từ cô hàng quán: “Các anh, chị Việt Nam cứ dùng thử đi, thử cho biết trái cây Lào” cũng đủ làm chúng tôi ấm lòng.

Tình cờ gặp một đoàn du lịch khoảng mươi người từ TP. Hồ Chí Minh đến Nam Lào trên xe ô tô cá nhân. Tôi ngạc nhiên bởi các em còn khá trẻ, lớn nhất chưa đầy ba mươi tuổi. Các em cho biết hành trình bắt đầu từ TP. Hồ Chí Minh qua Bình Phước, tới Đắk Nông rồi qua Đắk Lắk, Gia Lai và nhập cảnh Lào tại cửa khẩu Bờ Y của tỉnh Kon Tum. Tuổi trẻ mạnh mẽ, ưa thích khám phá, thật đáng tự hào.

Buonthong đang mua trái cây bày bán ven đường.

Trước khi chia tay, Buonthong mời tôi cùng đoàn ăn tối ở một nhà hàng nổi tại Pakse, trên dòng Mekong. Vẫn những món quen thuộc như cá sông nướng, cá sông nấu lẩu, xôi nếp Lào thơm dẻo. Tôi nói với Buonthong, vị ngọt cá sông ở đây nghe rất quen, chắc cùng chung vị ngọt ở những dòng sông của Tây Nguyên xa xôi đổ về Mekong.

Ngày về Việt Nam, chúng tôi đi trở lại con đường hôm qua đây. Từ Quốc lộ 13, cách Pakse vài chục cây số là rẽ vào Quốc lộ 16 E cũng của nước bạn Lào. Con đường 16 E kéo dài qua hàng loạt các huyện, thị, bản làng như Phoungchiang Gnai, Gnik, PakSong, Sekong, Đak Cheung… là đến cửa khẩu Nam Giang và nối vào đường 14 D xuôi về tỉnh Quảng Nam. Dọc con đường quanh co có nhiều đèo cao như đèo Ba Tầng, thỉnh thoảng một buôn làng hiện ra ven đường. Bóng những ngôi nhà sàn chon von trên nền trời, những bà mẹ địu con trước sân, những vạt lúa rẫy bời bời xanh tốt. Tất cả thật gần gũi, gợi niềm thương nhớ đất Việt trên những cung đường Tây Nguyên, Tây Bắc.

Bạn tôi, một nữ giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia tham gia cùng chuyến “phượt” Nam Lào thầm thì, đi chuyến này mới hiểu thêm về đất nước bạn, về tình hữu nghị đời đời bền vững giữa hai quốc gia Việt Nam – Lào. Cô ấy kể với tôi, rằng cách đây 70 năm, đầu năm 1963, từng có đoàn đại biểu Hoàng gia Lào do Vua Lào bấy giờ là ngài Xrixavang Vathana làm Trưởng đoàn sang thăm Việt Nam. Tại buổi tiếp đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hai dân tộc Việt và Lào sống trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ nhau như anh em. Trải qua nhiều năm đấu tranh gian khổ và anh dũng, nhân dân hai nước đã giành độc lập, làm chủ đất nước của mình. Ngày nay chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng cuộc sống mới. Tình nghĩa anh em Việt – Lào thật là thắm thiết, không bao giờ phai nhạt được…”.

Tạm biệt Champasak, tạm biệt vùng đất Nam Lào xa xôi mà gần gũi, những người bạn Lào mới quen mà tưởng như đã keo sơn tình bạn. Chỉ là một chuyến đi ngắn ngủi nhưng lại đong đầy cảm xúc. Chia tay mà lòng như vang mãi câu thơ: “Việt – Lào hai nước chúng ta. Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long” và lời cảm ơn tới các bạn Lào: “Khọp chay lai lai” (Tiếng Lào nghĩa là: Cảm ơn rất nhiều).

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.