Multimedia Đọc Báo in

Liên hợp quốc nỗ lực cải tổ để thích ứng thời đại

17:54, 14/05/2025

Trong bối cảnh Liên hợp quốc chuẩn bị kỷ niệm 80 năm thành lập, một nỗ lực cải tổ sâu rộng mang tên "Sáng kiến UN80" đang được triển khai nhằm hiện đại hóa hoạt động của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.

Trong một phiên họp toàn thể không chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 12/5, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã trình bày tầm nhìn và các biện pháp cải cách thiết yếu để tổ chức này duy trì vai trò trung tâm trong hệ thống quốc tế hiện đại.

Được công bố từ tháng 3 vừa qua, sáng kiến UN80 Initiative hướng đến việc cải tiến hiệu quả hoạt động trong các khuôn khổ hiện tại, rà soát việc thực hiện các yêu cầu của các quốc gia thành viên, đồng thời đánh giá khả năng thay đổi cơ cấu của cơ quan LHQ.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Theo Tổng Thư ký Guterres, những thay đổi này không chỉ nhằm nâng cao hiệu suất mà còn hướng đến "sự cắt giảm đáng kể" trong ngân sách hoạt động chung của LHQ.

Một trong những đề xuất đáng chú ý là việc giảm 20% nhân sự tại các cơ quan trực thuộc LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và gìn giữ hòa bình thông qua việc loại bỏ các vị trí trùng lặp chức năng.

Tuy nhiên, nỗ lực cải tổ diễn ra trong bối cảnh LHQ đang đối mặt khủng hoảng tài chính trầm trọng. Tính đến tháng này, LHQ mới chỉ nhận được 1,8 tỷ USD trên tổng số 3,5 tỷ USD ngân sách thường niên năm 2025 - tức chưa đạt 50%.

Trước tình hình đó, đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ ông Fu Cong nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc cải tổ. Ông cũng cảnh báo rằng trong thời kỳ thế giới biến động, chủ nghĩa đơn phương trỗi dậy và các thách thức toàn cầu nhân lên, vai trò của LHQ phải được củng cố chứ không thể bị suy yếu.

Ông Fu Cong nêu rõ: “Cải cách phải hướng tới việc bảo vệ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quốc tế, bảo đảm tổ chức hoạt động hiệu quả, có trách nhiệm tài chính và có ảnh hưởng toàn cầu”. Ông đồng thời cho rằng quyền lợi của các nước đang phát triển cần được bảo vệ toàn diện, tiếng nói của họ phải được tăng cường - bởi đó chính là chìa khóa thành công của cải cách.

Đồng quan điểm, đại diện Iraq tại LHQ ông Abbas Kadhom Obaid khi phát biểu thay mặt Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình thanh khoản của tổ chức này. Ông đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ đề xuất nào nhằm tinh giản hệ thống bằng cách cắt giảm sự trùng lặp cũng không được phép đi đến mức làm suy yếu hoặc giải thể các quỹ và cơ quan trực thuộc LHQ, gây thiệt hại cho quyền lợi của các quốc gia thành viên. Theo ông, “mọi cải cách phải giữ vững tính đa phương và bao trùm vốn là cốt lõi của LHQ”.

Đại diện của Singapore, ông Burhan Gafoor thay mặt Nhóm Các quốc gia nhỏ (SSG) nhận định thế giới đang chứng kiến một giai đoạn căng thẳng địa chính trị, phân mảnh kinh tế và chủ nghĩa dân tộc gia tăng. Ông nêu rõ: "Chúng tôi vô cùng lo ngại về sự xói mòn tôn trọng luật pháp quốc tế và những nỗ lực đảo ngược quá trình hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa".

Mối lo về ngân sách của LHQ càng thêm sâu sắc khi các nhà tài trợ lớn đang cắt giảm viện trợ. Đặc biệt, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump tiếp tục thực hiện các chính sách giảm chi mạnh tay trong ngân sách đề xuất cho tài khóa 2026. Trong đó, khả năng Mỹ gần như sẽ xóa bỏ đóng góp cho hệ thống LHQ đã được nhắc đến rõ ràng.

Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu xem xét lại vai trò của Mỹ trong LHQ, đồng thời rút khỏi nhiều cơ quan chuyên trách về quyền con người, sức khỏe sinh sản, biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu.

Không chỉ Mỹ, các nước như Vương quốc Anh cũng đang thu hẹp đáng kể ngân sách viện trợ nhân đạo. Theo ông Richard Gowan - Giám đốc LHQ tại Nhóm Khủng hoảng quốc tế, nếu xu hướng này tiếp diễn, LHQ có thể phải đối mặt với mức cắt giảm ngân sách 20% trong năm 2026.

LHQ từng bị chỉ trích vì bộ máy hành chính cồng kềnh, chậm ra quyết định và thiếu phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan. Dù các Tổng Thư ký qua nhiều thập kỷ đã cố gắng cải tổ, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Sáng kiến UN80 lần này được kỳ vọng mang tới một bước ngoặt, không chỉ nhằm cứu vãn tài chính, mà còn để lấy lại niềm tin vào vai trò trung tâm của tổ chức trong thế giới đang phân hóa và bất ổn hơn bao giờ hết.

Theo TTXVN


Ý kiến bạn đọc


(Video) "Đánh thức" du lịch rừng
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 507.000 ha rừng, là nơi đầu nguồn của nhiều hệ thống sông suối lớn, sở hữu nhiều ghềnh thác đẹp cùng hệ sinh thái rừng đa dạng, hệ động thực vật phong phú. Với những lợi thế to lớn đó, tỉnh đang xúc tiến để khai mở “mỏ vàng” này cho hoạt động du lịch sinh thái.