Multimedia Đọc Báo in

Tấm gương bóng đá Nhật Bản

07:07, 14/11/2021

Tại TP. Hồ Chí Minh, giới phóng viên thể thao khi đến nhà cựu danh thủ Hồ Thanh Cang luôn thấy một kỷ vật quan trọng: đôi giày nhỏ màu xanh lá cây trong tủ kính được ông lưu giữ hơn 61 năm như một báu vật.

Đôi giày có kích thước chỉ to hơn ngón chân cái này ông Cang và đồng đội được đội tuyển Nhật Bản tặng khi Nhật Bản thua đội Việt Nam 0-3 năm 1959. Ông Cang kể rằng sau khi tặng đôi giày, đại diện Nhật Bản gửi thông điệp là bóng đá xứ mặt trời mọc (năm 1959) so với Việt Nam cũng như đôi giày nhỏ, còn yếu kém và chưa phát triển. Tuy nhiên, nếu lần sau gặp lại họ sẽ tặng một đôi giày lớn hơn.

Quả thật vào thời điểm đó, Nhật Bản vừa bước ra khỏi chiến tranh, đang kiến tạo đất nước. Về thể trạng người Nhật Bản cũng chưa được cải thiện, thậm chí tương đồng với người Việt. Nền bóng đá dĩ nhiên chưa phát triển.

Vậy mà 61 năm sau trận thua 0-3 trên sân Cộng Hòa (nay là sân vận động Thống Nhất), đội Nhật Bản bây giờ đã không còn là “đôi giày nhỏ” so với bóng đá Việt Nam. Đội tuyển quốc gia xứ mặt trời mọc đã có 6 lần liên tiếp dự World Cup và 4 lần vô địch châu Á.

Sự thay đổi của bóng đá Nhật Bản cũng giống như sự đi lên thần tốc về kinh tế ở đất nước này. Nguyên nhân quan trọng nhất là sự cải tổ sân chơi chuyên nghiệp đủ tầm vóc để nâng bước đội tuyển quốc gia. Người Nhật thay đổi hệ thống bóng đá chuyên nghiệp vào cuối những năm 1980, sau đó chính thức cơ cấu lại giải J.League (giải vô địch quốc gia) vào năm 1991. Một năm sau, Nhật Bản lần đầu vô địch châu Á và dự World Cup vào năm 1994 tại Mỹ.

Tính từ cột mốc năm 1959 với sự kiện thua Việt Nam 0-3, Nhật Bản có 35 năm thay đổi hệ thống bóng đá. Hành trình “thay da đổi thịt” của bóng đá Nhật Bản không chỉ có kỷ vật đôi giày nhỏ, đó còn là phông văn hóa mới khi cho ra đời bộ truyện tranh "Đội trưởng Tsubasa" vào năm 1981. Đây là bộ truyện tranh không chỉ thắp sáng ước mơ chơi bóng cho trẻ em Nhật Bản mà còn làm niềm cảm hứng cho nhiều danh thủ bóng đá thế giới như Zinedine Zidane, Alessandro del Piero, Andres Iniesta. Người Nhật còn có Kazu Miura, người được ví như King Kazu khi chính là niềm cảm hứng để tác giả Yoichi Takahashi cho ra đời "Đội trưởng Tsubasa".

Bóng đá Việt Nam đang có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Linh

Với bóng đá Việt Nam, chúng ta chỉ trở lại hòa nhập với dòng chảy bóng đá thế giới từ SEA Games 1991. Song, Giải vô địch quốc gia bao nhiêu năm chìm trong tiêu cực. Từ năm 2001, giải chuyên nghiệp ra đời nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện hệ thống. Các câu lạc bộ phụ thuộc vào nguồn tài chính của doanh nghiệp. Nhiều yếu tố khác nhau khiến bóng đá Việt Nam chậm phát triển và thay đổi hơn so với Nhật Bản. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra khoảng cách lớn về trình độ của hai nền bóng đá ở hiện tại.

Dù thế, trong 5 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ. Tuyển Việt Nam có 1 lần vô địch AFF Cup, 1 lần vô địch SEA Games, lần đầu góp mặt ở vòng loại cuối cùng World Cup, U23 Việt Nam giành Á quân U23 châu Á 2018. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã rất nhiều lần sang Nhật Bản học tập mô hình phát triển. Công Phượng và Tuấn Anh, hai cầu thủ xuất sắc đã từng được câu lạc bộ của Nhật Bản mời sang thi đấu...

Lâu lắm rồi, sân Mỹ Đình mới chứng kiến trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đội bóng xứ sở hoa anh đào mang sang một dàn cầu thủ chất lượng cùng cung cách vô cùng chuyên nghiệp. Những bộ vest bảnh bao, 9 tấn hành lý, hơn 100 thành viên đã mang đến cảm giác thích thú, tò mò về sự chuyên nghiệp của đội bóng hàng đầu châu lục.

Một trận đấu đã giúp bóng đá nước nhà thêm được rất nhiều bài học. Và nhìn lại câu chuyện “đôi giày nhỏ” vào năm 1959 để thấy rằng, thành tích ở một trận đấu hay một giải đấu đôi khi không quan trọng bằng hành trình phấn đấu cho đích đến trong tương lai. Với một nền bóng đá, nếu thay đổi toàn diện và phát triển tốt nội lực thì đội tuyển quốc gia chắc chắn hùng mạnh. Bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện vươn tầm châu lục và giành vé dự World Cup giống như Nhật Bản trong tương lai, vấn đề là cần thay đổi rất nhiều ở V.League và công tác đào tạo trẻ cần phát triển theo xu hướng bóng đá là niềm cảm hứng cho các em nhỏ được chơi thể thao.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.