Thiếu nguồn lực, Đắk Lắk để "chảy máu" tài năng
Các đội tuyển thể thao thành tích cao của Đắk Lắk duy trì hoạt động hoàn toàn bằng nguồn ngân sách, trong khi kinh phí được cấp khá eo hẹp, chia đều và dàn trải cho tất cả các bộ môn, dẫn đến khó “giữ chân” những tài năng, phục vụ các đội tuyển.
Phụ công Nguyễn Thị Trinh - tuyển thủ quan trọng của đội bóng chuyền nữ quốc gia được phát hiện, đào tạo tại Trường Năng khiếu thể dục thể thao tỉnh, được gửi đi tập luyện tại "lò" đào tạo tài năng bóng chuyền hàng đầu của đất nước - Bình Điền Long An.
Từ năm 2017, Trinh trở về quê hương, phục vụ đội tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk và góp công lớn, đưa đội bóng tỉnh nhà hiện diện tại giải đấu cao nhất trong những mùa giải sau đó. Song đến năm 2022, khi bóng chuyền nữ Đắk Lắk xuống hạng, Nguyễn Thị Trinh chính là "tầm ngắm" của rất nhiều đội bóng lớn, có tiềm lực tài chính hùng hậu.
Và đương nhiên với khả năng tài chính giới hạn, Đắk Lắk không thể giữ chân Nguyễn Thị Trinh, cô đến đầu quân cho Ninh Bình. Cũng kể từ đó, "khoảng trống" vị trí phụ công của tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk mà Nguyễn Thị Trinh để lại quá lớn, chưa có cầu thủ đủ sức thay thế.
![]() |
Phụ công tài năng Nguyễn Thị Trinh của Đắk Lắk hiện đang khoác áo Ninh Bình. |
Tương tự, thủ thành từng khoác áo các đội tuyển bóng đá U18, U19, U20 và U23 quốc gia Y Êli Niê (SN 2001) được phát hiện, đào tạo từ tuyến năng khiếu trẻ của Đắk Lắk, từng vô địch Giải U15 quốc gia năm 2016 và nằm trong danh sách 8 cái tên được kênh thể thao uy tín FOX Sport bình chọn là những cầu thủ trẻ tiềm năng nhất của bóng đá Đông Nam Á.
Với khả năng phản xạ nhanh nhạy, Y Êli là một trong những thủ môn được tín nhiệm bắt chính của Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk chơi tại V.League 2. Sau khi đội bóng rớt hạng ở mùa bóng 2022 - 2023, thủ thành Y Êli Niê không có cơ hội thi đấu trong môi trường chuyên nghiệp. Anh cũng đã chọn cho mình một "bến đỗ" mới tại Câu lạc bộ bóng đá Đông Á Thanh Hóa với mức lương, thưởng cao hơn rất nhiều so với đội bóng cũ.
Trong môi trường thể thao, việc các vận động viên quyết định chọn lựa đi hay ở là chuyện hết sức bình thường, chẳng ai đòi hỏi vận động viên được địa phương phát hiện, có công đào tạo phải đáp trả bằng lòng trung thành, ở lại phục vụ.
Và chính những cơ quan, đơn vị chủ quản vận động viên cũng hiểu rằng họ chẳng có sự lựa chọn nào khác, bởi không thể níu kéo, giữ chân vận động viên khi mà không đáp ứng các điều kiện tương đương (chứ chưa nói là hơn) so với những chế độ, chính sách mà các đối thủ khác “mời gọi” vận động viên đưa ra.
Từ hai trường hợp "chảy máu" tài năng trên, "bài toán" khó đặt ra cho những người làm công tác quản lý, đào tạo vận động viên tỉnh nhà là làm thế nào để giữ chân được những tài năng trong bối cảnh nguồn kinh phí eo hẹp.
Và nếu không nhanh chóng giải bài toán hóc búa này, thể thao thành tích cao tỉnh nhà chắc chắn sẽ còn xảy ra những trường hợp vận động viên phải dứt áo ra đi, đến những nơi có nguồn thu nhập cao hơn, bởi họ luôn ý thức rằng, tuổi đời, sự nghiệp đỉnh cao của một vận động viên rất ngắn.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc