Multimedia Đọc Báo in

“Đòn bẩy” từ những nghị quyết đúng, trúng (kỳ 1)

08:36, 16/09/2024

Những nghị quyết đúng – trúng lòng dân đã giải quyết nhiều vấn đề bức thiết, hóa giải khó khăn từ thực tiễn đời sống. Đó cũng là động lực để gợi mở, động viên, khích lệ người dân đổi mới tư duy phát triển kinh tế; đặc biệt, bồi đắp niềm tin, khơi nguồn nội lực từ sức dân.

Kỳ 1: Gỡ khó bằng… nghị quyết

Bám sát thực tiễn sinh động, nhiều nghị quyết chuyên đề ở các địa phương được ban hành và hiện thực hóa bằng giải pháp, cách làm cụ thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Dấu ấn về sự nhạy bén, thấu suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy được minh chứng và khẳng định từ nắm bắt, phát hiện, lựa chọn vấn đề để xây dựng, tổ chức triển khai nghị quyết đúng – trúng.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr thăm hỏi đồng bào dân tộc thiểu số xã Cư Huê (huyện Ea Kar).

Xác định những vấn đề bức thiết

Sau hơn 40 năm thành lập, đời sống kinh tế - xã hội của người dân 26 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Krông Ana vẫn còn nhiều khó khăn. Đồng bào DTTS chiếm hơn 26% tổng dân số và trên 51% tổng số hộ nghèo toàn huyện (thời điểm năm 2019).

Các hộ DTTS trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều cái thiếu: đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, nghề nghiệp ổn định, kiến thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hơn 700 lao động phổ thông là người DTTS rơi vào cảnh mất việc làm do các lò gạch đất sét nung ngừng hoạt động theo quy định.

Nguyên nhân của tình trạng trên được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Ana “mổ xẻ” cặn kẽ, làm cơ sở ban hành Nghị quyết số 07, ngày 11/10/2019 về “Phát triển kinh tế - xã hội các buôn đồng bào DTTS giai đoạn 2020 - 2025” hướng đến mục tiêu giải quyết cơ bản những cái “thiếu” ở các buôn, tạo sinh kế nhằm giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của bà con.

Đối với huyện Lắk, trên 63% dân số là người DTTS, số hộ nghèo còn nhiều, trình độ dân trí không đồng đều. Giai đoạn 2020 - 2025, địa phương nằm trong danh sách huyện nghèo (30a) của cả nước. Nghịch lý là diện tích đất sản xuất đã rất ít, chỉ chiếm 15% tổng diện tích đất tự nhiên nhưng nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn lại bỏ hoang vườn tược hoặc chỉ độc canh, năng suất thấp.

Phân trần nguyên nhân của tình trạng trên, Bí thư Chi bộ buôn R Cai A (xã Krông Nô, huyện Lắk) H’Liêm Rơ Lứk cho hay, đất đai ở buôn chủ yếu là đất thịt, mưa thì ngập úng, nắng lại khô cằn, không có nước tưới, thanh niên phần lớn đi làm ăn xa, người già không có sức, thiếu vốn nên đành để cho đất “nghỉ” vì trồng nhiều loại cây đều không tốt. Bà con cứ mãi trong vòng luẩn quẩn của nghèo khổ - lạc hậu.

Tất cả căn nguyên, gốc rễ của thực trạng này đã được đưa lên bàn nghị sự của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lắk khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để bàn thảo, tìm hướng tháo gỡ. Sau nhiều báo cáo của các ngành chức năng, nhiều cuộc khảo sát thực tế, lấy ý kiến cán bộ, nhân dân, Nghị quyết 05-NQ/HU, ngày 5/3/2021 về “Lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021 – 2025” đã ra đời và được kỳ vọng là “chìa khóa” mở ra cánh cửa thoát nghèo cho đồng bào DTTS của huyện.

Những nghị quyết chuyên đề sát thực tiễn đã tạo điều kiện hỗ trợ cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế.

Là cửa ngõ phía Đông của tỉnh, huyện Ea Kar xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực quan trọng để xây dựng huyện trở thành thị xã trong tương lai. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 65% trường đạt chuẩn quốc gia (55 trường), phòng học kiên cố hóa đạt 54%...

Đầu nhiệm kỳ, qua rà soát thì cả quy mô trường, lớp, điều kiện tổ chức các hoạt động dạy học trên địa bàn huyện chưa đáp ứng yêu cầu. Một số trường chuẩn quốc gia của huyện còn nợ tiêu chí. Nhiều nơi trường lớp, trang thiết bị dạy học xuống cấp nhưng thiếu kinh phí sửa chữa, mua sắm.

Hiện thực hóa mục tiêu của Đại hội IX và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ea Kar đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 21/12/2020 về “Huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020 – 2025”.

Để nghị quyết không “nằm trên giấy”

Cùng Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Ana H’Ban Niê Kdăm đi thực tế cơ sở, khảo sát từng mô hình, nghe những chia sẻ, trăn trở của chị khi Phòng Dân tộc huyện nhận nhiệm vụ là cơ quan thường trực triển khai kế hoạch của UBND huyện theo Nghị quyết số 07, chúng tôi càng thấy rõ trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng.

Chị H’Ban cho biết, mỗi năm, UBND huyện Krông Ana bố trí từ 1,5 - 2 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết số 07 thì cần phải sâu sát để chi tiêu ngân sách một cách hợp lý, hiệu quả, đúng đối tượng. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Dân tộc huyện đã chủ trì, rà soát, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật tại các xã, thị trấn. Các lớp này không chỉ lồng ghép tuyên truyền chính sách mà còn trực tiếp khảo sát nhu cầu của người thụ hưởng, xem bà con thiếu gì, cần gì, muốn gì. Qua đó, phòng tham mưu tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu.

Sau khi bà con có nghề trong tay, huyện Krông Ana chỉ đạo thành lập các đoàn khảo sát thực tế và vận động đồng bào DTTS tại các buôn tham gia các mô hình sản xuất, tổ hợp tác; hỗ trợ máy móc, thiết bị và tổ chức lớp đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề để các mô hình thực sự phát huy hiệu quả.

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Ana H’Ban Niê Kdăm kiểm tra mô hình tái canh cà phê của người dân xã Ea Bông (huyện Krông Ana) được hỗ trợ theo Nghị quyết 07.

Còn tại huyện Lắk, điểm nổi bật trong thực hiện Nghị quyết 05 là cách làm không sử dụng ngân sách nhà nước mà phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tự nguyện đóng góp tiền mua cây giống trao tặng hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo của các thôn, buôn. Việc làm đó đã có sức lan tỏa, kết nối được tấm lòng của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài huyện cùng hỗ trợ, tài trợ giống cho bà con. Ban Thường vụ Huyện ủy còn chủ trương huy động mỗi cán bộ, đảng viên đóng góp ít nhất 10 cây ăn quả tương đương 200 nghìn đồng/người; mỗi doanh nghiệp, đơn vị đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Lắk hỗ trợ ít nhất 500 cây giống, tương đương số tiền 10 triệu đồng để trao tặng các hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp, trường học cũng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con các buôn kết nghĩa.

Mục tiêu của Nghị quyết 05 không chỉ dừng lại ở việc huy động nguồn lực trao cho bà con chiếc “cần câu” mà quan trọng hơn đó là hướng dẫn cách thức “câu cá”. Chính vì vậy, các đồng chí được phân công phụ trách địa bàn, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cấp huyện, xã đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, xây dựng mô hình cho bà con học tập. Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã được thành lập do người đứng đầu cấp ủy, chính quyền làm trưởng ban nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện nghị quyết. Nhờ “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” nên Nghị quyết 05 đã ghi dấu trên địa bàn huyện Lắk.

Đối với huyện Ea Kar, để huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục theo Nghị quyết 02, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai Pháp lệnh số 34 về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” và Luật Dân chủ ở cơ sở. Theo đó, quyền làm chủ của nhân dân được đặt lên hàng đầu, người dân các xã, thị trấn trực tiếp bàn bạc, quyết định mức đóng góp quỹ của địa phương với mức từ 250 - 350 nghìn đồng/hộ/năm, trong đó có trích một phần đầu tư cho giáo dục.

Ban giám hiệu các trường học cũng phát huy tinh thần dân chủ và trách nhiệm xã hội hóa giáo dục của giáo viên, phụ huynh học sinh trong việc đóng góp tiền, ngày công, nguyên vật liệu để làm sân trường, tường rào, phòng đa năng, vườn rau, khu vui chơi, khu vườn trải nghiệm… đáp ứng nhu cầu học tập của các em.

Lãnh đạo UBND huyện Ea Kar cũng đã trực tiếp làm việc, kết nối các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tài trợ bể bơi, xây dựng phòng học, công trình tránh lũ, tặng máy vi tính, trang thiết bị, đồ dùng, sân chơi cho các trường học.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Đổi mới tư duy để thoát nghèo

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.