Kiến tạo nền kinh tế nông nghiệp với tầm vóc mới
Việc hợp nhất Đắk Lắk và Phú Yên là một bước ngoặt quan trọng, mở ra chương mới cho ngành nông nghiệp. Sự kết hợp độc đáo giữa thế mạnh cây công nghiệp, cây ăn quả vùng cao và thủy sản vùng biển tạo nên bức tranh nông sản đa sắc.
Đây là nền tảng vững chắc cho việc tái định vị và nâng tầm thương hiệu nông nghiệp chung của tỉnh mới trên bản đồ thị trường quốc gia và quốc tế, hướng đến mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại, đa giá trị.
![]() |
Mũi Điện (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh: Huỳnh Lê Viễn Duy |
Từ hạt cà phê cao nguyên đến cá ngừ đại dương
Đắk Lắk và Phú Yên vốn mang những bản sắc nông nghiệp riêng biệt, định hình bởi điều kiện tự nhiên, lịch sử phát triển và đều đã đạt được thành tựu ấn tượng.
Trong đó, Đắk Lắk nổi danh là “thủ phủ” cà phê, với diện tích lên đến 212.502 ha và sản lượng ước đạt 550.890 tấn trong năm 2024, chiếm phần lớn diện tích cây công nghiệp lâu năm của tỉnh. Bên cạnh đó, các sản phẩm giá trị khác như hồ tiêu (77.100 tấn), cao su (30.769 tấn), điều (36.850 tấn) cũng đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh
![]() |
Với trên 121.000 ha, lúa nước của Đắk Lắk đang trở thành vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao của cả nước. Ảnh: Minh Nguyễn |
Đặc biệt, Đắk Lắk đang được ví là “miền Tây thứ hai” về cây ăn quả, được thể hiện qua diện tích 68.368 ha, nhất là sầu riêng vươn lên top đầu của cả nước với diện tích khoảng 35.000 ha và sản lượng ấn tượng khoảng 317.690 tấn (năm 2024), chủ yếu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân và đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của cả nước.
Nông nghiệp đã trở thành “bệ đỡ” quan trọng của nền kinh tế Đắk Lắk, đóng góp gần 42% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn (GRDP theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 23.520 tỷ đồng và cao gấp 1,4 lần so với bình quân chung cả nước.
Ở phía Đông, Phú Yên mang đặc trưng rõ nét của một tỉnh ven biển. Năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt hơn 14.485 tỷ đồng. Lợi thế mang tính chiến lược của Phú Yên nằm ở lĩnh vực thủy sản, với 189 km bờ biển cùng hệ thống đầm phá, vịnh đặc thù
![]() |
Chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: Hà Kiều My |
Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước tính hơn 87.118 tấn trong năm 2024, giá trị sản xuất thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 4.717 tỷ đồng.
Ngành khai thác biển nổi bật với sản lượng cá ngừ đại dương đạt khoảng 3.533 tấn, khẳng định vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu trong khai thác loại hải sản giá trị cao này.
Nuôi trồng thủy sản cũng phát triển mạnh, đặc biệt là tôm hùm với sản lượng ước đạt 2.260 tấn, đưa Phú Yên trở thành “thủ phủ” tôm hùm của cả nước. Tỉnh cũng đang hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ phục vụ xuất khẩu và áp dụng các mô hình công nghệ cao.
Theo phân tích của ông Nguyễn Minh Huấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk, việc sáp nhập hai tỉnh sẽ tạo nên một không gian nông nghiệp mới, với quy mô lớn và hệ sinh thái đa dạng, hoàn chỉnh từ núi xuống biển, từ trồng trọt - chăn nuôi - lâm nghiệp - thủy hải sản. Đồng thời, sự khác biệt về khí hậu cho phép đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và bố trí mùa vụ linh hoạt quanh năm, giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực...
![]() |
Cà phê là sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Minh Nguyễn |
Chương mới cho ngành nông nghiệp
Những lợi thế trên cho thấy sự kết hợp giữa nguồn cung nông sản quy mô lớn từ Đắk Lắk và thế mạnh chế biến, logistics của Phú Yên sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mới. Năm 2024, Đắk Lắk đã đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản ấn tượng, gần 1,7 tỷ USD. Nông sản Đắk Lắk đã vươn tới khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đánh dấu bước tiến trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phú Yên cũng có những thành tựu xuất khẩu đáng chú ý, với tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 đạt 333,4 triệu USD.
“Với tiềm năng, lợi thế riêng có, khi hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên sẽ tạo ra không gian phát triển mới bởi kết nối rừng - biển. Kết nối rừng - biển sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế biển, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, logistics, thúc đẩy thu hút đầu tư, góp phần hình thành một trung tâm phát triển chiến lược ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên”. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn |
Đắk Lắk, Phú Yên đều là những tỉnh mà nền kinh tế dựa trên phát triển nông nghiệp - đó là một điểm chung bên cạnh những đặc thù riêng.
Do đó, khi hợp nhất sẽ tạo ra một vùng sản xuất quy mô lớn trong khu vực, bởi chỉ nói riêng về sản xuất lúa gạo thì tỉnh Đắk Lắk mới đã có thể trở thành một tỉnh sản xuất lớn của cả nước, với 176.663 ha và gần 1,3 triệu tấn.
Và đây là cơ sở để xây dựng những chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp của tỉnh mới lớn mạnh, có thể thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo được những vùng sản xuất tập trung. Đặc biệt, khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ thúc đẩy phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản thuận lợi cho tỉnh Đắk Lắk sau khi hợp nhất.
Với thâm niên của một nguyên "tư lệnh" ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk - ông Nguyễn Hoài Dương nhận định: Sự hợp nhất Đắk Lắk và Phú Yên không chỉ đơn thuần là cộng gộp diện tích hay dân số, mà là “bệ phóng” để kiến tạo một nền kinh tế nông nghiệp với tầm vóc và giá trị mới.
Kết hợp thế mạnh sản xuất quy mô lớn của cao nguyên với lợi thế chế biến, logistics và đa dạng sản phẩm biển của duyên hải, tỉnh mới có cơ hội vàng để định vị lại mình trên bản đồ nông nghiệp toàn cầu.
Con đường phía trước là phát triển nông nghiệp đa giá trị, ứng dụng công nghệ cao và xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ trang trại đến bàn ăn, từ núi rừng đến biển cả.
Để biến tầm nhìn thành hiện thực, đòi hỏi sự quy hoạch chiến lược, đầu tư hạ tầng đồng bộ và cơ chế chính sách đột phá. Khi các "mảnh ghép" nông nghiệp từ hai vùng đất được hoàn thiện, nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh mới sẽ có cơ hội bứt phá, mang lại thịnh vượng bền vững và khẳng định vị thế mới.
![]() |
Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ thúc đẩy phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản thuận lợi cho tỉnh Đắk Lắk mới. Ảnh: Ngọc Thắng |
Từ góc nhìn của nhà quản lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Minh Huấn nhấn mạnh sự kết hợp rừng - biển sẽ tạo điều kiện phát triển chuỗi giá trị “vùng nguyên liệu - chế biến - xuất khẩu”. Không những vậy, việc hợp nhất mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp - văn hóa - sinh thái. Tầm nhìn chiến lược cho tỉnh mới là chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển một nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững và hội nhập sâu rộng hơn.
Minh Thuận - Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc