Liên hoan các đội chiêng trẻ TP. Buôn Ma Thuột lần thứ I - năm 2023: Thành quả ngọt ngào
Ngắm nghía Bằng chứng nhận đoạt giải Nhất toàn đoàn (trong kỳ Liên hoan các đội chiêng trẻ TP. Buôn Ma Thuột lần thứ I - năm 2023) diễn ra hôm 21/10 vừa qua, anh Y Bay Niê, Trưởng buôn Kmrơng Prông A, xã Ea Tu tự hào nói rằng: Đó là thành quả ngọt ngào được con em mình gặt hái sau hơn hai năm chuyên cần tập luyện với vốn di sản này từ cha ông trao truyền lại.
Lan tỏa niềm vui
Hơn thế, theo anh Y Bay Niê - sau nhiều năm “ngủ quên”, giờ đây tiếng chiêng, điệu xoang, nhạc cụ truyền thống của người Êđê ở đây đã âm vang trở lại bằng sự nỗ lực kế thừa của thế hệ trẻ tiếp nối. Niềm vui ấy đâu chỉ hiện diện sinh động ở buôn Kmrơng Prông A, mà nhiều nơi khác, tiếng chiêng trẻ cũng đã rộn rã trở lại trong đời sống cộng đồng.
Đội chiêng trẻ buôn Alê A trình diễn ching kram. |
Thực tế đó được ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Buôn Ma Thuột ghi nhận từ kỳ liên hoan các đội chiêng trẻ vừa qua. Được biết, trên địa bàn thành phố có 33 thôn, buôn người dân tộc thiểu số, thì có 14 đội chiêng trẻ với hơn 250 nghệ nhân, diễn viên “nhí” của 14 đơn vị tham gia kỳ liên hoan này. Đây là thành quả đáng kể và có ý nghĩa sau những năm triển khai đề án truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ của chính quyền TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Theo ông Dũng, việc giáo dục và khuyến khích thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số tại chỗ kế thừa và phát huy vốn văn hóa truyền thống của ông cha để lại luôn được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm và theo đó thành quả gặt hái được ngày càng rõ ràng, thực chất hơn.
“Âm nhạc cồng chiêng cũng như các hoạt động văn nghệ khác đã sống dậy và lan tỏa nhờ nỗ lực của lớp trẻ. Vốn di sản ấy cũng là tài sản giúp các em và cộng đồng phát triển, hội nhập với đời sống kinh tế, văn hóa hiện nay”. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm
|
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm đánh giá: Liên hoan các đội chiêng trẻ TP. Buôn Ma Thuột lần thứ I - năm 2023 vừa qua đã chứng tỏ đời sống cồng chiêng đã trở lại trong không gian sinh hoạt của mỗi cộng đồng, dân tộc. Không riêng gì ở thành phố, mà hầu hết những huyện thị khác trên địa bàn tỉnh cũng đã cho thấy tín hiệu lạc quan ấy từ những hội diễn, hội thi, liên hoan cồng chiêng kết hợp với nhạc cụ truyền thống, múa hát dân gian được tổ chức thường xuyên hơn.
Đặc biệt, thực hiện “Đề án Bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk” từ năm 2007 đến nay, chính quyền địa phương các cấp đã bố trí hàng chục tỷ đồng nhằm “tiếp sức” cho di sản này với nhiều nội dung, hoạt động đa dạng và phong phú. Trong đó việc truyền dạy kiến thức, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cho lớp trẻ được chú trọng, đầu tư thích đáng nên đã tạo chuyển biến thật sự rõ nét trong nhận thức và trách nhiệm của lớp trẻ về việc gìn giữ và phát huy vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ.
Góc nhìn thực tế
Theo đánh giá của Ban tổ chức Liên hoan các đội chiêng trẻ TP. Buôn Ma Thuột lần này, hầu hết các em đều nắm bắt, trình diễn khá nhuần nhuyễn một số điệu chiêng, bài chiêng (cổ cũng như mới) được cha ông họ sáng tạo từ trước đến nay. Trong đó có không ít đội chiêng trẻ ở các buôn Kmrơng Prông A (xã Ea Tu), Ea Bông (xã Cư Êbur), Alê A (phường Ea Tam), Akô Dhông (phường Tân Lợi), Kô Siêr (phường Tân Lập) đã kết hợp diễn tấu âm nhạc cồng chiêng với một số loại nhạc cụ tre nứa tiêu biểu như đing pơng, đing tút, đing năm, sáo vỗ… một cách khá bài bản, để lại ấn tượng trong lòng người hâm mộ.
Trao giải cho các đội chiêng trẻ đạt thành thành tích tại Liên hoan. |
Còn dưới góc nhìn của Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan - người đã gắn bó và tâm huyết với việc truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ, những hoạt động văn hóa trên không những góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng mà còn là môi trường giúp các em rèn luyện kỹ năng trình diễn (cá nhân hoặc theo nhóm) để phục vụ cộng đồng tham gia làm du lịch dựa vào vốn văn hóa truyền thống của mình. Những đội chiêng trẻ ở một số buôn được xem là điểm đến du lịch cộng đồng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như: Akô Dhông, Ea Bông, Tơng Jú… chính là “hạt nhân” tạo động lực thúc đẩy mô hình kinh tế du lịch phát triển một cách đáng kể và hiệu quả. Vốn di sản cồng chiêng kết hợp với dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống ở đó đã tạo điều kiện, cơ hội cho nhiều bạn trẻ có sinh kế, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống thông qua hoạt động trình diễn phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tại các buôn làng. Liên hoan các đội chiêng trẻ TP. Buôn Ma Thuột lần thứ I - năm 2023 chính là để phát đi “thông điệp”: Những đội chiêng trẻ ở đây không những lần lượt nắm giữ, kế thừa vốn di sản quý báu của ông cha để lại, mà còn phát huy giá trị văn hóa ấy như lợi thế nhằm phục vụ đời sống kinh tế hiện nay; từ đó có thêm động lực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng một cách hài hòa và bền vững hơn.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc