Những nhà giáo làm thơ
Nghề sư phạm gắn với sách bút nên thường mang nghiệp văn chương. Mà văn chương thì thơ dễ trải lòng, dễ tâm sự nên nhà giáo gắn với thơ nhiều hơn. Ở tỉnh Đắk Lắk có nhiều nhà giáo đã và đang làm thơ, khẳng định tên tuổi trên thi đàn, dù ít hay nhiều.
Nhà giáo - nhà thơ Triệu Cơ tên thật là Hồ Văn Nghi, dòng dõi nho học ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Khi thành lập Trường Đại học Tây Nguyên được điều vào làm Trưởng Phòng giáo vụ. Anh đã xuất bản hai tập thơ: “Trăng xưa” và “Ngàn sao lấp lánh”. Anh từng là người lính nên yêu nước và tự hào dân tộc là lẽ đương nhiên. Bài “Tiếng nói Việt Nam”, anh viết: Ôi giản dị mà lắng hồn dân tộc/Mà khát khao cháy bỏng tự do/Tiếng nói Việt Nam, tiếng nói Bác Hồ/Khúc khải hoàn dưới cờ cách mạng/Âm vang mãi trong lòng bè bạn/Đây Là Tiếng Nói Việt Nam!
Ta vẫn nghe hằng ngày nên không để ý đó là kết tinh của máu, mồ hôi toàn dân tộc qua nhiều thế hệ.
PGS.TS. Phan Quốc Sủng quê ở Vĩnh Phú, từng là Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã in 5 tập thơ: “Quê hương và tình yêu”, “Tình đời”, tuyển tập “Quê hương - Tình đời”, “Những vần thơ từ trái tim”, “Tình trong thơ”. Sau tập hợp lại thành tập “Đời thơ” với 657 trang in. Bài thơ kỷ niệm đóng năm tập thơ thành tổng tập anh gửi gắm tâm sự: Cả cuộc đời để yêu thương/Mai này khi chỉ còn ta/Đời Thơ còn mãi ngàn hoa tặng Người/Yêu thương lắm cuộc đời ơi/Ngàn hoa dâng hiến bao người ta yêu.
Sơn Thúy, cô giáo Ngữ văn đã vào tuổi bát tuần, cách viết vẫn mới. Có cái duy vọng hoài niệm của người cao tuổi lại có sự trẻ trung của lớp đàn em. Tôi thích bài thơ “Hóa vàng”. Bài thơ buồn man mác, đốt cháy mối tiền duyên, hóa kiếp một cuộc tình: Hóa vàng mối tiền duyên/ Không nhịp cầu Ô Thước/ Sông Ngân cứ chảy - Con vịt lội nơi nào/ Còn lại giấc chiêm bao/ Sao Hôm vẫn đó!
Văn Thanh (đã mất) là thầy giáo dạy tiếng Trung, thơ khá hay tập hợp vào tập “Người tình ngoài sổ sách”. Nhiều bài được bạn đọc nhớ tới như: “Con voi một ngà”, “Chuồn chuồn ớt”… Đặc biệt là bài “Những đứa trẻ ở Giang Ri” đồng cảm với các em nhỏ ở vùng dân tộc thiểu số có những câu nhói lòng: Những đứa trẻ ngang tầm cỏ may/Đôi cánh mỏng như con dế chũi.
Hoàng Mạnh Thường (đã mất) là kỹ sư nông nghiệp, dạy học ở Trường Trung cấp Nông nghiệp Đắk Lắk. Anh mang nợ văn chương nên về làm Chánh văn phòng Hội Văn nghệ Đắk Lắk ngay khi mới thành lập. Người trông cũ mà thơ rất mới. Anh để lại hai tập thơ “Những ngôi sao số phận”, “Độc huyền cầm”. Thơ buồn nhiều hơn vui, đầy ẩn ức tâm trạng. Bài “Trình làng” anh đã viết: Tôi trình tuổi thơ tôi/ Một con tốt lẻ. Đến bài “Làng quê”, anh cũng viết: Đó là nơi da người có màu của thép/Đất lật lên làm những mùa vàng. Đọc thơ Hoàng Mạnh Thường, tâm trạng ẩn sau câu chữ.
Trúc Hoài (Nguyễn Trúc ) là giáo viên ngữ văn, có mặt ở Đắk Lắk từ 1965, sau làm Phó Ty Giáo dục, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Anh có tiểu thuyết đồ sộ “Từ sông Krông Bông” và tập thơ “Từ những tháng năm”. Tôi đã giới thiệu đánh giá tập thơ này: Thơ một thời sống đẹp của Trúc Hoài. Bài “Tên con” có chiều sâu suy tưởng. Đặt tên con là Hồng Hà nghĩ về dòng sông Cái cội nguồn: Đó là nơi ra đi của bao lớp ông bà/Người Lạc Việt xuôi về Nam thời cổ/Để từ đó có xóm làng đường phố/Có nội ngoại con rồi có mẹ có cha!
Nguyễn Duy Xuân là thầy giáo Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, gắn bó với thơ từ lâu, gần đây lại mở rộng sang tiểu luận phê bình. Bài thơ “Tổ quốc” được phổ nhạc là đồng tác giả với nhạc sĩ Phạm Minh Thuận được giải thưởng, nhiều người đã biết. Tôi thích bài thơ “Buổi sớm” được anh viết sau một lần lên biên giới: Đường lên biên giới/ Trập trùng núi/ Trập trùng mây/ Xe băng qua rừng lá đỏ/ Bằng lăng sắp vào mùa rụng lá/ Dã quỳ bên đường rực rỡ/ Trong nắng vàng biên cương.
Nhà giáo Trần Phố làm thơ từ sớm. Bài “Lung linh Hoa hậu cao nguyên” có những câu đầy ấn tượng: Em Êđê trèo lên bảy sắc cầu vồng/Ý chí tạo lên kỳ vĩ/Buôn làng ngủ quên bất ngờ thức dậy/Tiếng chiêng lăn dài trên các vì sao/Xinh Nhã, Đam San gảy khúc tự hào. Thơ sảng khoái, cao vút niềm tự hào con người và vùng đất mình gắn bó.
Nguyễn Hữu Hợp viết ít nhưng có bài đọng lại như bài “Còng gió”, thơ thật mà đằm, lan tỏa đấy mà tụ về ký ức tuổi thơ: Xứ cát bao năm biền biệt/ Chiều nay có dịp ghé về/ Ôi kì diệu thay - còng gió/ Gập tuổi thơ gửi làng quê.
Đỗ Toàn Diện, có lần tôi đã nhận xét là “tín đồ của Thi giáo”, xuất bản nhiều tập thơ, thành công hơn cả là thơ viết cho thiếu nhi và thơ châm biếm. Bài “Vịnh hòn Gà Chọi Hạ Long” phản ánh thực trạng xã hội khá phổ biến về tranh giành quyền lực: Trên đất chọi mãi không thôi/ Đưa nhau xuống biển trùng khơi đá gà/ Cũng vì quyền lực vinh hoa/ Thi nhau đấu đá chẳng qua phàm trần.
Nhà giáo Phạm Văn Nhăn đã từng làm Trưởng phòng Giáo dục TP. Buôn Ma Thuột đã in cả thơ và phê bình, giới thiệu. Vào tuổi 70, ngày đầu năm 2021 anh trải lòng với bạn bè, tìm thú an nhiên, coi như là bộc bạch nỗi lòng. Bài thơ “Tuổi 70”, anh viết: Không ham mốt mới sang giầu/ Trung thành “cục gạch” ưa màu cổ xưa/ Nhẹ nhàng đạm bạc sớm trưa/ Ai người hơn thiệt, say sưa mặc lòng!
Lê Thành Văn, nhà giáo tài hoa, gặt hái thành công cả thơ và tiểu luận phê bình. Bút lực dồi dào. Thơ có nghề. Bài “Những bức tường hoang liêu Tam Đảo” cảm nhận sâu sắc biến đổi thời gian để trở thành hoang phế liêu trai: Những bức tường/ Rồi thiên thu về với gió/ Phế hoang từ độ chiến chinh tàn/ Ôi nước mắt nào chờ nhau hội ngộ/ Cố tri biền biệt giấc mơ buồn.
Đoàn Huy Hà (Hoài Hương) là nhà giáo chiến sĩ. Thời chiến tranh gian khổ đã tạo nên những bài thơ về tình thầy trò đằm thắm, về nghĩa vụ công dân. Năm 1969, dạy học ở Quảng Bình anh đã viết bài “Kí ức dạy Kiều” để ghi lại những ngày không quên: Thầy dạy Kiều/ Giữa hai đợt bom tuôn/ Trò cố gắng nghe đâu chờ đạn ngớt/ Lòng đất chuyển rung đạn bom cày xới/ Giáo án nhòe vở chẳng lành trang!
Bảo Châu
Ý kiến bạn đọc