Multimedia Đọc Báo in

Bất diệt tinh thần lao động

14:28, 23/05/2023

Tròn 137 năm trước, ngày 1/5/1886, một dấu mốc đã được ghi vào lịch sử nhân loại: Ngày Quốc tế Lao động ra đời.

Trải qua hơn một thế kỷ, tinh thần Ngày Quốc tế Lao động 1/5 vẫn luôn bất diệt cho dù thế giới ngày nay đã có quá nhiều đổi thay. Bất diệt, bởi lao động là một trong những hoạt động đầu tiên và cơ bản nhất của loài người. Lao động không chỉ là hành động, mà còn là tư tưởng, đạo đức, là văn hóa của con người. Lao động chân chính không chỉ tạo ra vật chất, tiền bạc, mà còn xây đắp nên giá trị tinh thần; không chỉ là những bản giao hưởng, tác phẩm văn chương, nghệ thuật..., mà còn vun đắp nên một phẩm giá làm người cao quý. Một xã hội công bằng, văn minh là xã hội mà ai cũng đều lao động.

Hàng triệu năm trước, tổ tiên loài người tìm ra lửa không phải từ hành vi ngẫu hứng, tình cờ, mà ngọn lửa được làm ra từ quá trình lao động. Hàng triệu năm sau, giờ đây cho dù rô bốt, trí tuệ nhân tạo đang “chiếm đoạt” rất nhiều phần việc của con người, thì nền tảng của mọi sự phát triển không gì khác vẫn chính từ quá trình miệt mài lao động, sáng tạo.

 

 Nền kinh tế đang toàn cầu hóa mạnh mẽ, lực lượng lao động đã có những thay đổi toàn diện, đa dạng, phức tạp… Chúng ta có thể tự hỏi, trong thời đại công nghệ này, giữa AI (trí tuệ nhân tạo) và con người, ai mới là người lao động? Câu trả lời: không ai khác ngoài con người! Chỉ con người bằng sự lao động sáng tạo của mình mới sản sinh ra những cỗ máy, để dạy cho người máy ngày càng thông minh hơn, và chỉ con người mới đủ khả năng kiểm soát lại người máy. Dù tinh thần lao động ngày nay có thêm nhiều tiêu chí mới, nhưng về bản chất, vẫn là tính tự chủ, trung thực, nhiệt tình, gắn kết, đổi mới sáng tạo để tạo ra hiệu suất, hiệu quả ngày càng cao.

Nhìn rộng ra 8 tỷ con người trên mọi châu lục, số đông vẫn đang cần mẫn lao động dưới hầm mỏ, trong xưởng máy, trên ruộng đồng, giữa đại dương… Những hình thức lao động thô sơ nhất, tốn mồ hôi và sức lực nhất vẫn diễn ra khắp nơi. “Không một chủng tộc nào có thể phát triển thịnh vượng nếu không biết rằng việc cày ruộng cũng có nhiều phẩm giá như viết một bài thơ”. Tác giả câu nói đó là Booker T. Washington (1856 - 1915), xuất thân từ một người nô lệ da đen trở thành nhà giáo dục nổi tiếng, nhà lãnh đạo tinh thần và là cố vấn cho một số Tổng thống Mỹ đương thời.

Một trong những nét đẹp và ý nghĩa nhất của Trường ca Đam San nổi tiếng, đó là khung cảnh, không khí lao động, sản xuất của tổ tiên đồng bào Êđê nơi mảnh đất Tây Nguyên này. Đam San không chỉ là người hùng chiến trận bảo vệ cộng đồng, mà còn là một anh hùng lao động, cùng đồng bào mình chinh phục tự nhiên, đi tìm giống lúa tốt để phát rẫy trồng trọt. Từ thuở sơ khai, cộng đồng Êđê đã là hiện thân của một tinh thần lao động chăm chỉ, sáng tạo, biết tự tạo ra cuộc sống ấm no cho mình, từ việc nương rẫy cho đến chăn nuôi, săn bắt, đánh cá, dệt vải…

Truyền thống tốt đẹp ấy, tinh thần lao động cần cù ấy vẫn đang được duy trì và phát huy trong thời đại ngày nay. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII (2020 - 2025), trong phần Mục tiêu tổng quát, định hướng đến năm 2030, đã khẳng định “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cơ bản trở thành trung tâm vùng, là tỉnh phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững tại khu vực Tây Nguyên, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trong những tỉnh đi đầu của khu vực trong các hoạt động ứng dụng khoa học – công nghệ, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất và đời sống…”.

Đó là kim chỉ nam đúng đắn, cũng chính là thôi thúc, là quyết tâm của khát vọng vươn lên, đòi hỏi sự cống hiến của mỗi một người lao động chúng ta, để quê hương ngày càng thêm giàu có, tươi đẹp.

Trí Quân 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.