Multimedia Đọc Báo in

Đánh giá học tập vì sự tiến bộ của học sinh tiểu học

08:10, 09/06/2024

Năm học 2023 – 2024 đã kết thúc, nhiều phụ huynh học sinh tiểu học thắc mắc về việc con đạt điểm tối đa môn Toán và Tiếng Việt nhưng vẫn không được xếp loại xuất sắc.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học – Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) NGUYỄN VĂN CHIÊU.

Ông Nguyễn Văn Chiêu.

* Thưa ông, ngoài tiêu chí điểm số môn học thì việc đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học còn dựa vào những tiêu chí nào?

Theo lộ trình, năm học 2023 – 2024 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đến khối lớp 4; việc đánh giá theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học (Thông tư 27). Điểm khác biệt so với cách đánh giá trước đây là được điều chỉnh theo hướng tăng cường nhận xét, coi trọng đánh giá quá trình để theo dõi, hỗ trợ, khích lệ học sinh tiến bộ.

Một học sinh vì lý do nào đó có thể làm bài kiểm tra định kỳ cuối năm không tốt, giáo viên thấy kết quả quá trình học tập có sự chênh lệch so với kết quả bài kiểm tra định kỳ thì hoàn toàn có quyền đề đạt với người phụ trách ở trường để học sinh kiểm tra lại. Bởi giáo viên có nhiều cách để đánh giá học sinh và sẽ là người hiểu nhất về năng lực, sự tiến bộ của học sinh. Việc đánh giá quá trình được giáo viên ghi lại trong hồ sơ của học sinh nhằm tổng kết, xác định danh hiệu của học sinh cuối năm; làm cơ sở để bàn giao giữa giáo viên các lớp trong việc tiếp tục hỗ trợ, theo sát học sinh ở các lớp học trên.

Đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo 4 mức với các yêu cầu đi kèm: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành. Để đạt mức hoàn thành xuất sắc, học sinh phải có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên.

* Với những thay đổi nói trên, cách thức đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 27 có tính ưu việt hơn hẳn. Giáo viên cần phải làm gì để phát huy tính ưu việt này, thưa ông?

Điểm ưu việt trong cách thức đánh giá học sinh theo Thông tư 27 là coi trọng đánh giá quá trình, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh. Việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét kết hợp với đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất. Để phát huy tính ưu việt này, giáo viên phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, phải đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá nhằm thu hút học sinh; tạo điều kiện để học đi đôi với hành; thực hành ngay trên bài học lý thuyết... Trong đánh giá phải công bằng, khách quan; kịp thời phát hiện những tiến bộ của học sinh để khích lệ các em…

Tiết học nhóm của học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột).

Giáo viên cũng cần nghiên cứu kỹ nội dung, yêu cầu cần đạt của từng chủ đề, bài học, môn học, hoạt động giáo dục để xây dựng kế hoạch bài dạy cụ thể; thiết kế và giao nhiệm vụ rõ ràng cho học sinh; đặt câu hỏi thăm dò sự hiểu biết của học sinh và cách giải quyết vấn đề. Đặc biệt là lắng nghe, giải thích, phản hồi ý kiến của học sinh nhằm tạo sự tương tác hai chiều để các em cảm nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và hứng thú với từng môn học.

Trên thực tế, việc đánh giá học sinh theo Thông tư 27 sẽ giúp giáo viên linh động trong điều chỉnh kế hoạch dạy học và kiểm tra đánh giá; giúp học sinh xác định được mức độ hoàn thành các nhiệm vụ học tập của bản thân trong từng môn học, hoạt động giáo dục.

* Nhà trường cần đồng hành với giáo viên ra sao để việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thật sự hiệu quả?

Thông tư 27 quy định rõ về trách nhiệm của nhà trường, đứng đầu là hiệu trưởng phải: “Tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên trong việc thực hiện quy định đánh giá học sinh”. Nhà trường cần trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị để giáo viên, học sinh có đủ điều kiện dạy và học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện đánh giá học sinh theo quy định để giáo viên phát huy được quyền chủ động, sáng tạo, tự chủ của mình theo đúng tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Hường (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.