Multimedia Đọc Báo in

Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế

08:43, 31/10/2024

Bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là hai chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Tuy nhiên, việc phát triển đối tượng tham gia trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, trở ngại.

Theo BHXH tỉnh, những năm qua, số người tham gia BHYT và BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có 1.724.046 người tham gia BHYT và 19.414 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Đặc biệt, so với cuối năm 2023 số người tham gia BHYT giảm 11.440 người và BHXH tự nguyện giảm 4.978 người.

Cán bộ bảo hiểm xã hội huyện M'Drắk tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến người dân.

Nguyên nhân khiến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian qua còn gặp khó khăn chủ yếu là do hiện nay sinh kế của đại bộ phận người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thu nhập bấp bênh; phần lớn lao động chưa quan tâm đến an sinh xã hội khi tuổi xế chiều...

Mặt khác, với mức đóng BHXH tăng lên theo mức tăng của chuẩn nghèo đa chiều theo quy định (mức đóng thấp nhất từ 154.000 đồng/tháng tăng lên 330.000 đồng/tháng từ ngày 1/1/2022) khiến nhiều người phải tạm dừng đóng cũng như khó phát triển đối tượng tham gia mới. Ngoài ra, theo quy định, BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ dài hạn và ngắn hạn; tuy nhiên người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, điều này làm giảm tính hấp dẫn và hạn chế mong muốn tham gia BHXH tự nguyện.

Với BHYT, việc phát triển đối tượng tham gia cũng là thách thức khi Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 và Quyết định số 433/QĐ-UBDT, ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (sau thay thế bằng Quyết định số 612/QĐ-UBDT) có hiệu lực.

Người dân huyện Krông Năng có thẻ bảo hiểm y tế được chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Y tế huyện.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh có khoảng 274.500 người không còn được hưởng ngân sách Trung ương hỗ trợ đóng BHYT; trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số và người có cuộc sống khó khăn. Cũng từ đó đến nay, BHXH tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia BHYT; ngoài ra kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do kinh tế người dân còn khó khăn và một phần nhận thức còn hạn chế nên vẫn còn nhiều hộ gia đình, người dân không tham gia BHYT làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi khi đi khám chữa bệnh cũng như tác động rất lớn đến tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh.

Chính vì thế, để duy trì tỷ lệ tham gia BHYT, BHXH tự nguyện và phát triển đối tượng tham gia mới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách BHXH tự nguyện, BHYT bằng nhiều hình thức, kênh thông tin để nâng cao nhận thức của người dân. Cùng với đó, kêu gọi các nguồn lực, sự chung tay của xã hội nhằm giúp những người dân có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tiếp cận chính sách an sinh xã hội; tăng mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện và BHYT cho các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Bên cạnh đó, Luật BHXH sửa đổi năm 2024 đã có nhiều điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích cho lao động như: Bổ sung chế độ thai sản vào chế độ BHXH tự nguyện; bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; đóng BHXH tối thiểu 15 năm sẽ được hưởng lương hưu... Hy vọng rằng, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của ngành BHXH thì đây sẽ là những “cú hích” để giữ chân người lao động tự do ở lại hệ thống an sinh xã hội và mở rộng diện bao phủ BHYT, BHXH tự nguyện.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​