Chăm lo những “mầm xanh”
Triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay, góp phần tạo ra những phong trào thi đua sôi nổi thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia, các tổ chức đoàn - đội trong tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm trong việc quan tâm, chăm lo cho thiếu nhi trên địa bàn.
Triển khai nhiều hoạt động thiết thực
Tháng 10/2024, các em học sinh Trường Tiểu học Thái Phiên (xã Ea Kao) và Trường Tiểu học Phú Vinh (xã Hòa Phú) vui mừng đón nhận công trình “Nước sạch cho em” do Thành Đoàn, Hội đồng Đội TP. Buôn Ma Thuột trao tặng.
Đây là hai ngôi trường khó khăn ở TP. Buôn Ma Thuột, thời gian qua nước sinh hoạt của học sinh và các thầy cô được lấy từ nguồn nước giếng, chưa bảo đảm vệ sinh. Vì điều kiện nguồn nước không bảo đảm an toàn nên trường cũng không tổ chức được các bếp nấu bán trú cho học sinh.
![]() |
Học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia hoạt động trải nghiệm. |
Nhận thấy khó khăn ấy, Thành Đoàn, Hội đồng Đội TP. Buôn Ma Thuột đã vận động nguồn kinh phí 80 triệu đồng để thực hiện công trình “Nước sạch cho em”. Theo đó, tại mỗi điểm trường, đơn vị bố trí 4 máy lọc nước và 1 bồn nước inox. Công trình đưa vào sử dụng đã giúp các giáo viên, học sinh được dùng nước sạch hằng ngày, bảo đảm vệ sinh, an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe cũng như chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Anh Nguyễn Đức Bảo Châu, Phó Bí thư Thành Đoàn Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Nguồn nước sạch sẽ giúp các em học sinh bảo đảm sức khỏe, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, tiếp thêm động lực để các em đến trường. Hy vọng rằng các thầy cô giáo cùng các em học sinh hai đơn vị trường học sẽ quản lý, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả, công năng của công trình nước sạch này”.
Trung bình mỗi năm ở Đắk Lắk có khoảng 40 trẻ em (từ 6 - 15 tuổi) tử vong do tai nạn đuối nước. Để hạn chế tình trạng này, Hội đồng Đội tỉnh đã triển khai mô hình “Bể bơi di động về buôn”. Bể bơi di động được lắp ráp bằng bạt, có kích thước dài 15,6 m, rộng 5,6 m và cao 1,2 m dễ dàng di chuyển về các thôn, buôn vùng sâu vùng xa.
Anh Võ Tiến Tuấn Niê, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội tỉnh cho hay, địa phương có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều sông, suối, ao, hồ. Thời gian qua phần lớn các trường hợp tai nạn đuối nước xảy ra ở khu vực nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc dạy bơi, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em nơi đây là hết sức cần thiết.
Tính riêng năm 2024 mô hình “Bể bơi di động về buôn” đã tổ chức được 17 lớp dạy bơi miễn phí cho hơn 800 thiếu nhi. Bên cạnh đó, các đơn vị đã trao tặng dụng cụ hỗ trợ gồm 200 bộ kính bơi, 500 áo phao, mũ cho các em... với mong muốn giúp thiếu nhi có sân chơi bổ ích, thiết thực để rèn luyện sức khỏe, trang bị kỹ năng ứng phó, thoát hiểm khi gặp tình huống khẩn cấp, góp phần giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.
Đồng hành với thiếu nhi phát triển toàn diện
Toàn tỉnh hiện có trên 377.000 đội viên, thiếu niên, nhi đồng. Xác định xây dựng Đội là xây dựng Đoàn trước một bước, những năm qua các cấp bộ đoàn, đội trong tỉnh luôn chú trọng triển khai phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”; chương trình “Rèn luyện đội viên”; cuộc vận động “Vòng tay bạn bè”, “Giúp bạn vượt khó”, “Kế hoạch nhỏ”...
![]() |
Đại diện Hội đồng Đội TP. Buôn Ma Thuột tặng áo ấm cho học sinh khó khăn tại xã Cư Pui (huyện Krông Bông). |
Hội đồng Đội các cấp cũng tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả các phong trào, hoạt động thi đua học tốt thông qua các phong trào “Hoa điểm tốt”, “Tuần học tốt”. Hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm cũng được quan tâm hơn bằng việc khuyến khích thiếu nhi tích cực, chủ động trang bị ngoại ngữ và kiến thức xã hội. Các đơn vị thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động tạo môi trường để các em phát huy khả năng sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học trải nghiệm sáng tạo trong các liên đội, tích cực hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến, cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng”; hướng dẫn các em sử dụng, khai thác mạng Internet phục vụ nhu cầu học tập, giải trí lành mạnh.
Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” cũng được triển khai hiệu quả với việc huy động được nhiều nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp trường học, xây mới điểm vui chơi; đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động thiếu nhi. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã trao gần 1.400 suất học bổng, hơn 2.500 suất quà, trên 1.600 bộ đồng phục, 600 cặp sách, 278 xe đạp, 600 đèn học chống cận thị, 48 bàn học và hơn 12.000 quyển vở... với tổng trị giá hơn 7 tỷ đồng tặng học sinh hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh.
Việc triển khai mô hình “Tiếp sức đường dài” ngày càng hiệu quả, nhiều thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thường xuyên, thay vì một lần như trước đây. Năm học 2023 – 2024, toàn tỉnh đã tiếp sức cho 1.140 thiếu nhi với tổng kinh phí hỗ trợ gần 3 tỷ đồng, trong đó mức hỗ trợ bằng tiền mặt thấp nhất là 100.000 đồng/tháng và cao nhất là 1 triệu đồng/tháng, nhiều trường hợp học sinh được cam kết hỗ trợ đến khi học xong lớp 12.
Chị Phan Thị Trinh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho hay, công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ thiếu niên, nhi đồng luôn được Tỉnh Đoàn xác định là một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của tổ chức đoàn các cấp trong toàn tỉnh. Do đó, cùng với kết quả chung của công tác đoàn, hằng năm Tỉnh Đoàn được Trung ương Đoàn ghi nhận là đơn vị xuất sắc trong công tác đội và phong trào thiếu nhi. Đó là minh chứng cho những đóng góp của tổ chức đoàn, đội trong toàn tỉnh đối với công tác trẻ em nói chung và thiếu nhi nói riêng trong hiện tại và cả tương lai.
Anh Phương
Ý kiến bạn đọc