Sống xuyên thế kỷ đợi ngày gặp con...
Sống ở miền đất Quảng Trị mấy chục năm nay, tôi đã gặp không biết bao nhiêu thân nhân lặn lội kiếm tìm mộ phần các liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, cuộc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ dọc dài theo hai phía Đông, Tây Trường Sơn vẫn cứ tiếp tục. Trong Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, mộ phần hầu hết là của các liệt sĩ quy tập từ chiến trường Lào về, rất nhiều mộ bia thiếu thông tin, không tên, không tuổi chỉ lặng im một dòng chữ “Liệt sĩ chưa có được thông tin”. Vì vậy, tìm ra và kết nối cho các gia đình tìm đúng hài cốt của liệt sĩ là thân nhân của mình không khác nào “mò kim đáy bể”...
Nguyễn Trường An là một người bạn của tôi công tác ở bộ phận chăm sóc “người có công” tại Sở Nội vụ Quảng Trị. Anh vừa làm nhiệm vụ của một công chức nhưng ở khía cạnh khác anh như là “người được chọn”, luôn đau đáu, nặng lòng và tìm cách hỗ trợ tối đa để các gia đình liệt sĩ có cơ hội để tìm được người thân đã hy sinh.
Hồi năm ngoái, anh An thông tin: “Ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 vừa tìm được một liệt sĩ tên là Nguyễn Công Hòa. Trên bia, thông tin chỉ có dòng tên của anh và phiên hiệu đơn vị ở cấp sư đoàn. Dù thông tin ít ỏi nhưng chúng tôi rất hy vọng gia đình sau khi xin xét nghiệm ADN sẽ tìm được đúng người”. Đầu tháng 3/2025, An vui mừng thông báo rằng giám định ADN đúng là liệt sĩ Hòa. Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (cũ) đã có văn bản thông báo, mẫu giám định của bà Nguyễn Thị Dung (trú xã Đại Đồng, tỉnh Nghệ An) có liên quan huyết thống theo dòng mẹ với mẫu hài cốt liệt sĩ Nguyễn Công Hòa. Điều đặc biệt là mẹ của liệt sĩ Hòa là cụ bà Phạm Thị Lài năm nay đã 104 tuổi cũng muốn vào Quảng Trị gặp con. Cụ đã sống xuyên thế kỷ để chờ đợi ngày này…
Cuộc trùng phùng giữa người mẹ 104 tuổi và người con trai liệt sĩ hy sinh từ năm 1973 nay mới tìm thấy hài cốt quả là một câu chuyện vô cùng cảm động… Song, sau khi cân nhắc các phương án, mọi người quyết định để cụ Lài ở nhà để an toàn hơn bởi ở độ tuổi 104, di chuyển quãng đường hơn 600 km đi và về, nếu có sự cố gì sẽ rất gay go.
***
Cuộc trùng phùng giữa người mẹ 104 tuổi và người con trai liệt sĩ hy sinh từ năm 1973 nay mới tìm thấy hài cốt quả là một câu chuyện vô cùng cảm động… |
Lần theo câu chuyện tìm ra mộ của liệt sĩ Nguyễn Công Hòa cũng lắm điều kỳ lạ.
Có một thầy giáo quê Hà Tĩnh, sống ở Bình Dương (hiện thuộc TP. Hồ Chí Minh) sau khi nghỉ hưu đã lập một trang web và đưa lên đó những thông tin liên quan đến tìm kiếm liệt sĩ nhằm giúp các thân nhân liệt sĩ cả nước có thể lần ra manh mối người thân. Bức ảnh mộ liệt sĩ Nguyễn Công Hòa được ông đưa lên trang web, mộ bia liệt sĩ chỉ có dòng tên và đơn vị sư đoàn: F968.
Cuối năm 2022, người cháu trai của liệt sĩ Hòa là anh Nguyễn Công Quỳnh (40 tuổi) bất ngờ nhìn thấy hình ảnh ấy. Có một dữ kiện tạo thêm cho gia đình chút hy vọng le lói là bức ảnh mộ bia ấy được chụp tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị) – nơi từng quy tập rất nhiều hài cốt quân tình nguyện Việt Nam từ chiến trường Lào về.
Với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, Đội quy tập của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 và đơn vị Sư đoàn 968 – nơi liệt sĩ Hòa từng chiến đấu, hồ sơ ban đầu được rà soát. Tuy nhiên, do mộ đã được quy tập trước năm 1990, phần lớn giấy tờ gốc đã thất lạc hoặc thiếu thông tin đối chiếu. Không từ bỏ, gia đình viết đơn xin giám định ADN. Tháng 12/2023, các mẫu bệnh phẩm được lấy: một từ bộ hài cốt tại mộ ở Đường 9 và một từ người chị ruột của liệt sĩ là chị Nguyễn Thị Dung. Đầu tháng 2/2025, Trung tâm giám định ADN thông báo: kết quả trùng khớp 100% – hài cốt đúng là liệt sĩ Nguyễn Công Hòa như đã kể trên.
***
Suốt 52 năm đằng đẵng, cụ Phạm Thị Lài – người mẹ già ở xã Đại Đồng (Nghệ An) chưa một ngày thôi mong ngóng con trai trở về…
Cụ Phạm Thị Lài có 7 người con, trong đó có hai con trai mà Hòa là anh lớn. Năm 1969, anh Hòa nhập ngũ khi mới tròn 18 tuổi. Bốn năm sau, tháng 6/1973, anh hy sinh tại chiến trường Lào khi đang giữ chức Trung đội trưởng, thuộc Sư đoàn 968 – Quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn Lào.
Ngày nhận giấy báo tử, gia đình chỉ biết con đã hy sinh – nơi chôn cất không rõ. Kể từ đó, một nỗi đau âm thầm thấm vào đời cụ Lài vốn đã chịu nỗi đau chồng mất sớm, tự tay nuôi nấng đàn con khôn lớn giữa nghèo khó, giờ lại thêm đứa con trai cả ra đi.
Suốt từ sau năm 1975, cả gia đình rong ruổi khắp các nghĩa trang liệt sĩ ở Nghệ An, Hà Tĩnh để tìm con. Nhưng, không một dấu vết, không một dòng tên. Chị Phạm Thị Vinh, người em dâu của liệt sĩ Hòa, chồng cũng mất, vẫn miệt mài đạp xe đến từng nghĩa trang trong tỉnh đọc kỹ từng dòng tên trên mỗi mộ bia rồi thắp hương, khấn tìm nhưng vẫn vô vọng.
![]() |
Anh Nguyễn Công Quỳnh bên mộ người bác. |
Rồi chị Vinh cũng già, người con trai chị là anh Nguyễn Công Quỳnh thay bà và mẹ tiếp tục đi tìm mộ phần người bác ruột.
Rạng sáng 3/4/2025, gia đình liệt sĩ Nguyễn Công Hòa cùng cán bộ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 tiến hành lễ cất bốc hài cốt. Lá cờ Tổ quốc được gấp trang nghiêm đặt trên tiểu sành, chuyến xe lặng lẽ rời Đông Hà trở về Nghệ An.
Buổi chiều, lễ truy điệu diễn ra tại quê nhà ở xã Đại Đồng. Cụ Phạm Thị Lài được người thân đỡ ra hiên ngồi từ sáng, ánh mắt đăm đăm nhìn ra con đường dẫn vào làng. Khi đoàn xe dừng lại, tiếng loa phát vang vọng bài “Hồn tử sĩ”, bà run rẩy, nắm chặt bàn tay người con dâu.
![]() |
Cụ Lài gặp lại con trai sau hơn nửa thế kỷ. |
Chiếc tiểu sành phủ cờ Tổ quốc được đưa vào sân nhà. Cụ Lài nhoài người, áp tay lên lá cờ đỏ, bật khóc: “Hòa ơi… con đây rồi! Cuối cùng mẹ cũng chờ được con…”. Tiếng cụ khản đặc, nghẹn lại, rồi vỡ òa. Nhiều người trong đoàn nghi lễ không cầm được nước mắt. Thật sự không tin được, ở tuổi này cụ còn được gặp lại con mình!
“Giờ mẹ an lòng rồi. Con đã về. Mẹ có thể nhắm mắt được rồi, con ơi…” - câu nói của người mẹ như khép lại một hành trình hơn nửa thế kỷ tìm con. Và mẹ Lài cùng gia đình liệt sĩ Hòa, bằng trái tim và sự kiên nhẫn, đã đánh thức cả một hệ thống để làm nên phép màu.
Lê Đức Dục
Ý kiến bạn đọc