Những người lính biến “sỏi đá thành cơm”
Đóng quân nơi địa hình đồi cao ở đèo Hà Lan (TX. Buôn Hồ), sự chênh lệch nhiệt độ lớn, mùa khô thường thiếu nước dẫn đến công tác tăng gia sản xuất của Tiểu đoàn 9 gặp nhiều khó khăn. Song với ý chí “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình tăng gia sản xuất chăn nuôi, trở thành đơn vị điển hình của Trung đoàn 95 (Sư đoàn 2) về lĩnh vực này.
Mạnh dạn thử nghiệm mô hình mới
Xuất phát từ thực tế chăn nuôi gà, vịt hiệu quả thấp, mùa lạnh vật nuôi bị chết nhiều, Tiểu đoàn đã quyết định thử nghiệm con giống mới. Từ ý tưởng của Đại úy Lê Minh Hưng (Tiểu đoàn trưởng) khi ấy đang là Phó Tiểu đoàn trưởng phụ trách công tác hậu cần, tháng 8/2021, đơn vị đã đầu tư 28 triệu đồng làm chuồng trại nuôi 40 con thỏ.
Mô hình trồng chuối nuôi cấy mô của Tiểu đoàn 9. |
Để tích lũy kinh nghiệm cho quá trình nuôi, các anh lên mạng Internet tham khảo kỹ thuật, cách chăm sóc thỏ, tham gia các hội nhóm để trao đổi thêm thông tin, kiến thức. Nhận thấy loài vật này dễ nuôi, ăn tạp, vốn đầu tư không lớn nên Tiểu đoàn đã nhân giống dần, đến nay đã có hơn 300 con. Thỏ được nuôi trong các ngăn chuồng có diện tích khoảng 0,3m2, mỗi ngăn nuôi từ 1 - 2 con thỏ lứa và 1 thỏ sinh sản. Do thỏ dễ mẫn cảm với thời tiết trong khi về đêm khu vực đóng quân lại khá lạnh nên đơn vị đã đầu tư thêm hệ thống đèn sưởi ấm cho thỏ. Cây xuyến chi mọc nhiều ở bìa doanh trại, bộ đội khá tiện lợi trong thu hái cũng như bảo đảm nguồn thức ăn cho loài vật này.
Thiếu tá Mai Quốc Lĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn cho hay, khi đã hiểu tính hiểu nết của thỏ, việc chăm sóc chúng trở nên rất thuận lợi. Để tránh bị tiêu chảy, tuyệt đối không cho thỏ ăn thức ăn ướt nước mưa. Thời điểm quan trọng nhất là giai đoạn sinh sản, người nuôi phải theo dõi kỹ từng ngày để có sự hỗ trợ kịp thời; mua sữa bột về bổ sung thêm cho thỏ phục hồi sức khỏe giai đoạn mang thai và sinh sản. Khi được chăm sóc tốt, thỏ con lớn rất nhanh, thỏ mẹ cũng có thể phối giống sau khoảng nửa tháng sinh sản.
Không chỉ bảo đảm 100% rau xanh cho toàn đơn vị, Tiểu đoàn còn áp dụng nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất mang lại hiệu quả cao. Qua đó đạt được lợi ích kép, vừa bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, vừa tăng thêm nguồn thu cho các hoạt động của đơn vị”. Thiếu tá Mai Quốc Lĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn 9
|
Là mô hình mới, song nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật, Tiểu đoàn 9 đã bước đầu phát triển thành công. Tính đến nay, đơn vị đã nhập bếp hơn 100 con thỏ thịt, tạo thêm nguồn thực phẩm đa dạng, giàu dinh dưỡng cho bộ đội.
Phát triển vườn cây ăn quả tập trung
Từ năm 2018, Bộ Quốc phòng đã quyết định đưa định lượng trái cây tươi vào tiêu chuẩn, định lượng ăn nhằm bổ sung nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn của bộ đội. Điều này đồng nghĩa nhu cầu tiêu thụ trái cây hằng ngày của các đơn vị rất lớn, nếu mua ngoài thị trường khó có thể kiểm soát giá cả, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính bởi vậy, việc phát triển vườn cây ăn quả tập trung để tự túc trong bữa ăn bộ đội trở nên cần thiết, được nhiều đơn vị đã và đang thực hiện, tiêu biểu như Tiểu đoàn 9.
Chiến sĩ Tiểu đoàn 9 chăm sóc đàn thỏ. |
Về thăm doanh trại Tiểu đoàn thời gian này sẽ nhìn thấy những vườn chuối xanh mướt, được trồng thẳng hàng cách đều trên diện tích khoảng 1,5 ha.
Năm 2020, khi nhận thấy người dân trên địa bàn phát triển hiệu quả loại chuối nuôi cấy mô, Tiểu đoàn 9 cũng bắt tay thử nghiệm. Trồng thử vài trăm cây để rút kinh nghiệm, nhận thấy loài cây này nhiều ưu điểm hơn so với giống chuối thông thường, đặc biệt là sự đồng nhất trong quá trình ra hoa, thời gian trổ buồng và chất lượng quả, nên đơn vị quyết định quy hoạch khu trồng, mở rộng diện tích. Đến nay, Tiểu đoàn 9 có khoảng 15.000 cây chuối đang độ thu hoạch. Tùy thuộc từng mùa để có cách chăm sóc hợp lý, nhưng các anh luôn bảo đảm cho từng cụm cây được thông thoáng, đầy đủ dinh dưỡng, dọn sạch lá khô, giữ độ ẩm cho đất trồng. Hợp với thổ nhưỡng lại được chăm sóc đúng kỹ thuật, chuối nuôi cấy mô của Tiểu đoàn có thể cho thu hoạch sau khoảng 8 - 10 tháng trồng và đẻ thêm nhiều cây chuối non mới, qua đó tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống vườn. Với quy mô phát triển theo hướng tập trung, ổn định lâu dài, hiện Tiểu đoàn đã có thể nhập bếp khoảng 1 tấn chuối/tháng.
Không chỉ thành công trong thực hiện mô hình trồng chuối nuôi cấy mô, đơn vị tận dụng mọi địa hình đất đai để trồng hàng nghìn cây ăn quả dài ngày như: bơ, mít Thái, sầu riêng, ổi… Nỗ lực ấy giúp Tiểu đoàn tự cung cấp phần lớn nhu cầu trái cây trong khẩu phần ăn hằng ngày, góp phần bổ sung dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe bộ đội, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc