Multimedia Đọc Báo in

Sống đẹp trên không gian mạng

07:57, 02/11/2023

Tận dụng lợi thế mạng xã hội, nhiều cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tỉnh đã kết nối, lan tỏa, gắn bó tình cảm quân dân.

Đã có không ít mảnh đời nghèo khó được bộ đội kết nối hỗ trợ kế sinh nhai, xây dựng nhà ở; nhiều học sinh nghèo khó được người lính nâng bước đến trường; nhiều người tìm lại được tài sản thất lạc; và cũng không hiếm trường hợp tìm lại được thân nhân, gốc gác cội nguồn sau hàng chục năm cách trở do thời chiến…

Có duyên với việc kết nối tình thân qua mạng xã hội, Trung tá Trần Đình Thanh (Trợ lý Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Buôn Hồ) đã không ít lần mang niềm vui đến với nhiều gia đình. Mới đây, ngày 30/5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Cục Chính trị Quân khu 5 xác minh, cung cấp thông tin thân nhân của quân nhân Nguyễn Kế Đại. Theo hồ sơ, ông Đại sinh năm 1958, quê quán: Đoàn Kết, Krông Búk, Đắk Lắk; nhập ngũ tháng 12/1976; đơn vị Trường hạ sĩ quan Quân khu 5, điều trị bệnh và từ trần ngày 8/5/1978 tại Bệnh viện Quân y 17; nơi an táng nghĩa trang Gò Cà, Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng.

Đại tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (giữa) động viên cán bộ, nhân viên luôn giữ gìn, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.

Tìm kiếm thông tin sau hàng chục năm mất liên lạc là việc rất khó, bởi vậy, khi nắm được tình hình, anh Thanh đã gửi hồ sơ đến các xã, phường, đồng thời đăng tải sự việc lên trang cá nhân Facebook, mong phép màu sẽ đến. Và chỉ rất ngắn sau đó, nội dung anh đăng tải đã thu hút nhiều tài khoản chia sẻ, bình luận. Từ đây, qua mạng xã hội, manh mối thông tin cũng dần rõ nét với sự giúp sức của nhiều người. Trung tá Trần Đình Thanh bồi hồi: “Chỉ rất nhanh sau đó, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã đã kết nối được với đồng đội của quân nhân Nguyễn Kế Đại, đồng thời lần tìm được ông Nguyễn Văn Châu (hiện ở tổ dân phố Đạt Hiếu 4, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) là em ruột của ông Đại. Trò chuyện mới biết thêm rằng, thân nhân ông Đại đã nhiều lần đi tìm mộ anh, nhưng không có kết quả. Nay họ vỡ òa niềm vui, đồng thời thực hiện các thủ tục để đưa ông về lại quê nhà tiện bề chăm sóc phần mộ”…

Nói đến việc sống đẹp trên không gian mạng, không thể không nhắc đến Đại úy Nguyễn Trung Hải (nhân viên Quân sự địa phương, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar). Không chỉ thường xuyên đăng tải những điều tích cực trên mạng, nhiều năm nay, anh Hải còn trở thành nhịp cầu nối yêu thương, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh éo le trong cuộc sống.

Trực tiếp xác minh các hoàn cảnh cần giúp đỡ, anh Hải cùng Nhóm từ thiện Cư M’gar lấy thông tin, hình ảnh thực tế, có chính quyền địa phương xác thực, sau đó đăng tải lên mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube để kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Từ sự ủng hộ của mọi người, nhóm đã nhanh chóng cùng Hội Chữ thập đỏ huyện và đại diện chính quyền địa phương đến trao hỗ trợ cho các hoàn cảnh, gia đình.

Qua kết nối trên mạng xã hội, Đại úy Nguyễn Trung Hải đã kêu gọi được nhiều tấm lòng hảo tâm, hỗ trợ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Chỉ riêng đầu năm đến nay, anh đã trực tiếp làm cầu nối, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ hơn 40 hoàn cảnh khó khăn đột xuất, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh. Riêng ở huyện Cư M’gar, anh đã kết nối tặng dê giống sinh sản cho 2 hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở xã Ea Kuếh, thị trấn Quảng Phú; xây nhà tình thương tặng gia đình đặc biệt khó khăn tại xã Cư Dliê M’nông có trị giá hơn 95 triệu đồng. Tổng số tiền và vật chất mà anh và nhóm thiện nguyện huy động được khoảng 700 triệu đồng.

Anh Hải chia sẻ: "Để có được niềm tin của người giúp đỡ và người cần giúp đỡ thì việc làm quan trọng nhất của người làm cầu nối là công khai minh bạch mọi thông tin. Chính vì vậy, sau khi đăng tải hoàn cảnh, chúng tôi tiếp tục cập nhật hình ảnh, video trao quà, tiền mặt để người ủng hộ biết những gì mình đóng góp đã đến tay người nhận. Nhờ vậy, nhiều năm làm công tác thiện nguyện, chúng tôi luôn nhận được sự tin yêu, ủng hộ của mọi người; công tác thiện nguyện cũng từ đó thêm lan tỏa rộng rãi, thu hút nhiều tầng lớp, thành phần tham gia".

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.