Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng thầy thuốc áo lính nơi vùng biên

07:21, 05/12/2023

Đứng chân, thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn hai xã vùng biên Ia R’vê và Ia Lốp (huyện Ea Súp), trong năm 2023, các y bác sĩ Bệnh xá quân dân y Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 (gọi tắt Đoàn 737) đã tiếp nhận điều trị, cấp cứu, chuyển viện kịp thời cho hàng trăm bệnh nhân, cả người Việt Nam và người Campuchia.

Ba tháng trước, trong lúc bổ củi, ông Lang Thanh Hải (40 tuổi, trú thôn 5, xã Ia R’vê) không may bị bọ cạp cắn vào cẳng tay gây sưng tấy, đau nhức rất khó chịu. Tuy đã chủ động hút máu, nặn độc, sát khuẩn cẩn thận, song bệnh tình vẫn không suy giảm. Gần tối, cảm giác hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh ngày càng trầm trọng, ông Hải được người nhà chở đến Bệnh xá quân dân y Đoàn 737 cấp cứu. Trung tá, bác sĩ Phùng Bá Cường, Bệnh xá trưởng trực tiếp thăm khám, kiểm tra, cho uống thuốc chống sốc, chống dị ứng và truyền dịch. Đến sáng hôm sau, sức khỏe của ông Hải dần trở lại bình thường. Ông được các thầy thuốc kê đơn, cấp thuốc rồi cho về điều trị tại nhà.

Trưa 5/11, do làm việc dưới trời nắng nóng quá lâu, anh Huỳnh Ngọc Vũ (24 tuổi, trú thôn 11, xã Ia R’vê) bị kiệt sức, tụt huyết áp, rối loạn điện giải, ngất xỉu ngay giữa đồng. Nhờ sự cấp cứu, điều trị kịp thời của các thầy thuốc áo lính, chiều cùng ngày anh đã có thể đứng lên, đi lại, vận động nhẹ và ăn uống được. Trước khi anh Võ xuất viện, các y bác sĩ đã tư vấn, dặn dò rất kỹ, để anh biết cách giữ gìn, chăm sóc sức khỏe bản thân, chớ vì gia cảnh quá khó khăn, thiếu thốn mà làm việc đến mức quên ăn, quên nghỉ.

Y bác sĩ Bệnh xá quân dân y Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 khám bệnh cho người dân địa phương.

Cách đây hơn chục năm, do tai nạn lao động, ông Vi Văn Ăm (67 tuổi, trú thôn Lầu Nàng, xã Ia Lốp) bị mất cả hai cánh tay, trở thành người tàn tật nặng. “Họa vô đơn chí”, đêm ngày 6/10 vừa qua, ông không may vấp vào dây võng, ngã mạnh xuống nền nhà, khiến hai chân đau nhức, không thể đi lại được. Nhận được tin báo, tổ cấp cứu do Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, bác sĩ Nguyễn Xuân Nga, Phụ trách cơ sở 2 Bệnh xá quân dân y Đoàn 737 (đứng chân trên địa bàn xã Ia Lốp) kịp thời có mặt kiểm tra, thăm khám. Xác định ông Ăm bị gãy xương đùi, các chiến sĩ khẩn trương băng bó, cố định vết thương, tiêm thuốc giảm đau, sau đó chuyển ra Trung tâm Y tế huyện Ea Súp để tiếp tục điều trị. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Ăm, bệnh xá quyết định hỗ trợ hoàn toàn chi phí thuốc men, vật tư y tế, xăng xe cấp cứu.

Chiều 25/10, đang trong ca trực, Trung tá, bác sĩ Phùng Bá Cường nhận được điện thoại của Đồn trưởng Đồn Biên phòng 735 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) đề nghị hỗ trợ, cấp cứu cho một bệnh nhân là Thiếu tá Ta Bun, Chốt trưởng Chốt 43 (Tiểu khu quân sự tỉnh Rattanakiri, Campuchia) hiện đang bị co giật, đau đầu, khó thở, tức ngực, huyết áp tăng cao. Sau khi thăm khám, sơ cứu ban đầu, các y bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục theo dõi và điều trị. Trên quãng đường hơn 70 km lởm chởm đầy ổ voi, ổ gà, bụi đỏ từ khu vực biên giới ra trung tâm huyện Ea Súp, anh Cường và các thầy thuốc thường xuyên trò chuyện, động viên, giúp Thiếu tá Ta Bun phần nào vơi bớt nỗi lo bệnh tật, hiểu biết sâu hơn về tình trạng sức khỏe của mình. Ít ngày sau, qua xét nghiệm, kiểm tra, biết mình bị suy thận nặng, Thiếu tá Ta Bun xin xuất viện, về lại Campuchia để theo dõi, điều trị lâu dài.

Với tình cảm đặc biệt dành cho bà con ở vùng biên, từ các nguồn kinh phí của trên và quỹ vốn tăng gia sản xuất, chăn nuôi, mỗi năm, Bệnh xá quân dân y Đoàn 737 đều tổ chức những chuyến thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe miễn phí cho hàng nghìn lượt người dân, trong đó có Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuân (86 tuổi, trú thôn 10, xã Ia R’vê) và nhiều thương binh, bệnh binh, đối tượng chính sách. Giỏi chuyên môn, giàu y đức, đi đến đâu các y bác sĩ cũng được dân quý, dân thương như con em ruột thịt trong nhà.

Trọng Khang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.