Multimedia Đọc Báo in

Bộ đội tạo sinh kế cho người dân vùng biên

08:27, 11/01/2024

Sau 23 năm thành lập, từ vùng đất khô cằn, nắng cháy, không điện, đường, trường, trạm, giờ đây, Khu kinh tế - quốc phòng Ea Súp đã có sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ với hàng trăm công trình, hạng mục được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân ở vùng biên. Kết quả đó có sự góp sức to lớn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) 737 (Quân khu 5)...

Công ty Cổ phần Ca cao Intercontinental (CIC) hiện có trang trại ca cao rộng hơn 210 ha tại xã Ia Lốp (huyện Ea Súp), tạo điều kiện việc làm cho gần 200 lao động phổ thông là người địa phương với mức thu nhập ổn định từ 6,5 - 14,5 triệu đồng/người/tháng, tùy theo trình độ, chuyên môn tay nghề và vị trí công việc.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Khí hậu vùng này rất khắc nghiệt, nhất là trong những tháng mùa khô, song nhờ áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt nên vườn cây cho trái quanh năm. Các sản phẩm của CIC được các đối tác của Pháp, Bỉ, Nhật Bản đánh giá rất cao về chất lượng và hương vị đặc trưng. Dự kiến, trong năm 2024, công ty sẽ triển khai trồng mới thêm khoảng 450 ha và từng bước chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân liên kết trồng ca cao trên đất nông hộ sở hữu.

Dự án trồng ca cao do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 kết nối doanh nghiệp đầu tư tạo việc làm cho hàng trăm người lao động vùng biên Ea Súp.

Đại tá Trương Văn Bình, Chính ủy Đoàn KTQP 737 chia sẻ, Công ty Cổ phần Ca cao Intercontinental (CIC) là một trong bốn doanh nghiệp do đơn vị kết nối, mời gọi tham gia đầu tư thực hiện các dự án trong Khu KTQP Ea Súp, với tổng số vốn gần 500 tỷ đồng; tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết với các hộ dân hợp tác phát triển mở rộng sản xuất.

Cùng với đó, thực hiện dự án “Phát triển kinh tế, xã hội - Mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” tại Khu KTQP Ea Súp, trong 5 năm qua, đơn vị đã bàn giao được 156 mô hình nuôi bò sinh sản, vịt trời, heo lai, trồng cây ăn quả cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại hai xã biên giới Ia R’vê và Ia Lốp. Nhờ chịu thương, chịu khó, biết tính toán làm ăn, đến nay đã có 30 hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo bền vững theo tiêu chí mới.

Không chỉ hỗ trợ vật nuôi, bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 còn thường xuyên hỗ trợ người dân chăm sóc cho trâu, bò.

Để bà con từng bước định canh, định cư, tích cực chung tay xây dựng biên cương ngày càng khởi sắc, ấm no, từ năm 2015 đến nay, Đoàn KTQP 737 đã bàn giao cho chính quyền địa phương hơn 19.000 ha đất để phát triển kinh tế, chia cấp cho người dân tham gia dự án KTQP mỗi hộ có đủ 2 ha đất sản xuất và 1.000 m2 đất ở; xây dựng, bàn giao 5 công trình thủy lợi, 1 công trình nước sạch, 43 căn nhà chính sách, nhà Đại đoàn kết. Đơn vị còn phối hợp với UBND huyện Ea Súp tiến hành khai hoang ruộng nước kênh Chính Tây, kênh Ia Mơ; giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, hỗ trợ người dân mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn rủi ro; tổ chức khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân. Mùa mưa lũ hằng năm, hình ảnh những người lính Đoàn KTQP 737 bất chấp hiểm nguy, căng mình cứu hộ, sơ tán nhân dân, lo cho dân từng bữa ăn, giấc ngủ đã trở nên quen thuộc, gần gũi đối với bà con.

Trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, Đoàn KTQP 737 tiếp tục bàn giao 130 mô hình chăn nuôi bò, trâu sinh sản cho những hộ dân ở các xã biên giới. Theo chỉ đạo của lãnh đạo, chỉ huy Đoàn, các đội sản xuất nông lâm phối hợp với ban tự quản các thôn tăng cường bám nắm cơ sở, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, khả năng thực tế của từng hộ gia đình, tổ chức soát xét, chọn ra 130 hộ nhận nuôi bò và trâu. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ được cấp, các hộ tham gia dự án cũng đóng góp một phần kinh phí bằng nguồn vốn đối ứng của gia đình như vật tư, nhân công xây dựng chuồng trại và công chăm sóc để gắn thêm một phần trách nhiệm với mô hình nhận bàn giao.

Thuận An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.