Multimedia Đọc Báo in

Mang phở ra Trường Sa

09:38, 26/05/2024

Với tấm lòng yêu mến, tri ân người lính làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, nghệ nhân phở Vũ Ngọc Vượng (Hà Nội) đã mang gần 3.000 tô phở phục vụ cán bộ, chiến sĩ tại 6 đảo, điểm đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Tàu Trường Sa 571 của Vùng 4 Quân chủng Hải quân rẽ sóng ra khơi lần này, ngoài chở hơn 200 đại biểu đến từ các tỉnh thành, còn chở “nhân vật đặc biệt” và “thiết bị đặc biệt”. Đó là nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng - chủ nhân của hệ thống phở gia truyền Ngọc Vượng nổi tiếng lâu đời ở Hà Nội. “Thiết bị đặc biệt” ấy là xoong, tô, cốt nước phở cấp đông, bánh phở tươi, gia vị... được bảo quản với “chế độ đặc biệt”.

Nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng trổ tài nấu phở phục vụ cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn.

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hải trình này là đảo Đá Lát - một trong 17 đảo chìm của quần đảo Trường Sa. Trước khi chở các thành viên lên đảo, nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng được sĩ quan điều hành của tàu bố trí chuyến xuồng riêng chở nồi, tô và các nguyên liệu phở vào trước để chọn vị trí nấu, kê bàn ghế phục vụ các cán bộ, chiến sĩ.

Trong khi đoàn văn công biểu diễn phục vụ bộ đội và ngư dân, nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng bắt đầu trổ tài. Những lát thịt bò mỏng mịn mềm mại, những cọng hành thơm bắt mắt, gia vị sắp sẵn, nước phở sôi sùng sục. Bàn tay khéo léo của nghệ nhân Vượng thuần thục như “màn biểu diễn nghệ thuật” giữa nắng gió Trường Sa. Ông Vượng chia sẻ: “Tôi đã đi Trường Sa ba lần. Lần này tôi phục vụ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1 gần 3.000 tô phở bò. Đây là tình cảm, sự tri ân của tôi và cả gia đình, đồng thời muốn phở đất Hà thành gần gũi Trường Sa”.

Những tô phở đặc biệt được đặt lên cabin của tàu 571 cúng các liệt sĩ.

Theo nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng, để có tô phở ngon trong điều kiện bảo quản những nguyên liệu dài ngày, các nguyên liệu phở phải chọn lọc nghiêm ngặt. Thịt bò nguyên khối cấp đông độ lạnh sâu. Nước phở được hầm bằng xương bò trong ít nhất 24 giờ, và cho vào từng bịch nhỏ cấp đông. Khó nhất là bánh phở. Trong đất liền, bánh phở không được dùng sau 24 giờ, vậy thời gian đi biển 8 - 10 ngày làm sao để có sợi phở tươi, ngon?

Ông Vượng cho hay: “Chuỗi phở Ngọc Vượng có bí quyết sản xuất bánh phở riêng biệt, từ khâu chọn bột, tráng bánh, đến khâu cắt, ủ khiến bánh phở không cần hóa chất bảo quản mà vẫn luôn tươi mới. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, tàu hành trình dài ngày trên biển, bánh phở phải được bảo quản ngăn mát, tránh đông quấn, luôn tươi xốp để sẵn sàng sử dụng”.

Bưng tô phở thơm phức sau ca gác giữa nắng gió biển khơi, Binh nhất Thái Văn Cao ở đảo chìm Đá Lát xúc động: “Gần hai năm nay em mới được ăn phở. Giữa nắng gió Trường Sa, được ăn phở bò Hà Nội nghe lạ quá. Nói thật là rất tuyệt. Thêm yêu cuộc sống, yêu Trường Sa và yêu quê hương, Tổ quốc”.

Trong khi đó, Đại úy Tống Văn Tùng (đảo Sinh Tồn) cho hay, anh đã từng ăn phở Ngọc Vượng trong một lần công tác tại Hà Nội. Giờ đây lại được ăn phở Ngọc Vượng tại Trường Sa do chính nghệ nhân Ngọc Vượng nấu, rất xúc động. Anh bày tỏ: “Những tô phở như tình cảm đặc biệt, nối dài tình cảm giữa bộ đội Trường Sa với Hà Nội”.

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.