Multimedia Đọc Báo in

Vun đắp tình yêu biên cương, Tổ quốc

11:14, 31/05/2024

Sau ba tháng miệt mài học tập, huấn luyện, mới đây 190 chiến sĩ mới của Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (đóng quân ở huyện biên giới Buôn Đôn) được đơn vị tổ chức tham quan, học tập truyền thống tại TP. Buôn Ma Thuột.

Thăm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, bộ đội tham gia dâng hương tại tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng”, được nghe thuyết minh về lịch sử hình thành, phát triển và không ngừng lớn mạnh của lực lượng. Say sưa tuyên truyền đến người nghe, Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Nga (nhân viên Phòng Chính trị) giới thiệu ngắn gọn nhưng đầy đủ những dấu mốc lịch sử từ ngày đầu thành lập lực lượng; tinh thần chiến đấu ngoan cường và những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc…

Trực tiếp chứng kiến các hiện vật, hình ảnh trưng bày tại nhà truyền thống, Binh nhì Nguyễn Thành Vinh (Trung đội 2, Đại đội Huấn luyện lâm thời) tâm tình: “Mỗi khu trưng bày, mỗi hiện vật nơi đây đều gắn với những câu chuyện đã đi vào lịch sử. Chúng tôi cảm phục và tự hào trước sự can trường, dũng cảm của cha ông và cũng tự hứa sẽ ra sức học tập, luyện rèn, xứng danh người chiến sĩ biên phòng”.

Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh thăm hỏi, chia sẻ những thông tin về lịch sử, truyền thống cùng bộ đội.

Không chỉ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, công tác giáo dục lịch sử truyền thống cho bộ đội được các cơ quan, đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên quan tâm. Đơn cử, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk phát huy giá trị các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn, thường xuyên tổ chức cho bộ đội dâng hương, dâng hoa tại Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ; tham quan, giới thiệu Di tích lịch sử bến phà vượt sông Sê Rê Pốk; các cột mốc biên giới. Đơn vị cũng thường xuyên tiếp đón, phối hợp tổ chức cho các nhân chứng lịch sử đến thăm, giao lưu trò chuyện cùng bộ đội; triển khai học tập chính trị, sinh hoạt tư tưởng, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước, giao lưu văn hóa thể thao… Với hình thức tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” để mỗi cán bộ, chiến sĩ hiểu, thêm tự hào và nỗ lực phát huy truyền thống tốt đẹp của lực lượng, ra sức xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc.

Giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia là một trong những giải pháp quan trọng trong định hướng tư tưởng cho bộ đội. Đại tá Đỗ Quang Thấm, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ: Để nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống, các đơn vị trong lực lượng đã phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng phòng truyền thống, tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng”. Hướng đến chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước, của lực lượng, bộ đội biên phòng thường tổ chức tọa đàm, sinh hoạt truyền thống, góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng và bồi đắp lòng yêu nước cho cán bộ, chiến sĩ.

Các chiến sĩ biên phòng tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền trong lực lượng, bộ đội biên phòng còn triển khai đa dạng chương trình, hoạt động nhằm vun đắp tình yêu quê hương, biên giới, Tổ quốc trong nhân dân.

Trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục, Tỉnh Đoàn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về biên giới, Luật Biên phòng Việt Nam, cấp phát tờ rơi, tờ gấp; tổ chức các hoạt động "Tháng Ba biên giới"; kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên tại cột mốc biên giới… thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Bằng trực quan sinh động, các tầng lớp nhân dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng đã trực tiếp quan sát, tìm hiểu về chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, về lịch sử hình thành cột mốc. Qua đó, góp phần giữ mạch nguồn truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng...

Trung tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động cho biết, đẩy mạnh tuyên truyền trong học sinh, sắp tới đây, đơn vị sẽ phối hợp cùng Trường Tiểu học Y Jút (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) tổ chức chương trình “Tiết học biên cương” ngay tại Tiểu đoàn. Từ chương trình, trực tiếp cán bộ, chiến sĩ của đơn vị sẽ giới thiệu đến giáo viên, học sinh nhà trường về đường biên, mốc giới, chủ quyền lãnh thổ; tham quan nơi ăn ở, học tập, sinh hoạt, khu tăng gia sản xuất của đơn vị. Tin rằng, những trải nghiệm, hoạt động thực tế sẽ góp phần bồi đắp thêm tình yêu, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia mà các thế hệ đi trước đã dày công gìn giữ, bảo vệ.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.