Multimedia Đọc Báo in

Máu và biển đảo

08:45, 30/07/2024

Trường Sa - Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc đã chứng kiến biết bao tấm lòng và sự cống hiến hy sinh cao cả. Máu đào hòa sóng biển xanh nơi thềm đảo thiêng trong sự nghiệp bảo vệ, gìn giữ chủ quyền…

Biển thiêng

Ngày 4/7/2024 mới đây, tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi, gia đình ba cán bộ Vùng 4 Hải quân nghẹn ngào đón nhận những tấm Bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Chính phủ truy phong, sau khi con em mình ngã xuống trong lúc thực hiện nhiệm vụ trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.

Những cái tên Đoàn Anh Tuấn (Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu, Nghệ An); Trần Bá Diệu (Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh); Lê Văn Tính (Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) giờ đã nối dài thêm danh sách những liệt sĩ đã ngã xuống giữa quần đảo bão tố này… 

“Dũng Gạc Ma” bên đồng đội trong những giờ phút cuối cùng.

Tháng 4/1998, trong lần đầu tiên ra Trường Sa, tôi đã thắp hương lên những ngôi mộ bình dị nơi góc đảo, dưới gốc sứ đang nở hoa trắng muốt, ở Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa Lớn… Họ là những người lính hải quân đã hy sinh trong công cuộc chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đảo.

Nhớ Thiếu tướng Đào Trọng Lịch, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác ra Trường Sa lần ấy. Người có gương mặt đôn hậu, mái tóc bạc muối tiêu mà chúng tôi ai cũng gọi ông là “bố”, còn ông luôn gọi chúng tôi là con. Chỉ khoảng hơn một tháng sau, ngày 25/5/1998, ông đã hy sinh cùng đoàn công tác tại Xiêng Khoảng (Lào) trong vụ tai nạn trực thăng.  

Lần thứ hai tôi ra Trường Sa là cuối tháng 6/2022. Cũng trên đảo Sinh Tồn Đông, bên tấm bia đá khắc ghi tên tuổi 64 liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Chủ quyền CQ-88 tại cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14/3/1988, một sĩ quan Hải quân trẻ trang phục chỉnh tề cứ âm thầm miết đầu ngón tay lên một dòng tên liệt sĩ ở đầu bia. Hỏi ra mới biết đó chính là Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân (35 tuổi), trợ lý tác chiến Vùng 4 Hải quân, đang miết tay lên dòng tên người cha thân yêu đã hy sinh ngày ấy là liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong. Hôm tàu tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã nằm lại vùng biển này, Xuân cứ đứng một góc boong tàu, trang nghiêm cầm mũ trên tay, cùng một bông cúc đăm đăm nhìn xuống như kiếm tìm gì đó nơi sóng biển.  

Nguyễn Tiến Xuân - con trai liệt sĩ Gạc Ma Nguyễn Mậu Phong tìm hình bóng người cha thân yêu trên sóng nước Gạc Ma.

Cha Xuân - Thượng úy Nguyễn Mậu Phong (quê Quảng Ninh, Quảng Bình), chỉ huy trưởng khung đảo Gạc Ma ngày ấy đã cùng đồng đội anh dũng ngã xuống giữa “Vòng tròn bất tử” trong cuộc chiến không cân sức bảo vệ đảo. Ngày cha hy sinh, Xuân mới tròn 3 tháng tuổi. Lớn lên tiếp bước cha, anh vào Hải quân, trở thành thuyền trưởng dọc ngang Gạc Ma - Trường Sa trước khi về bờ nhận nhiệm vụ tác chiến. Bao năm rồi, mỗi lần ra Trường Sa, anh lại đến tấm bia khắc tên 64 liệt sĩ Gạc Ma, để khẽ chạm tay vào dòng tên của cha, như tìm lại hơi ấm...

Không thể nào quên những ngày đêm sôi sục ở Hoàng Sa tròn 10 năm trước, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam. Những con tàu của Vùng Cảnh sát biển 2 có những vết vá, vết hàn còn rất mới trên thân tàu do bị tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm thủng trong lúc tàu của ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đẩy đuổi giàn khoan phi pháp. Ở lan can tàu CSB 4033 có cả miếng vá to bằng chiếc chiếu do bị tàu Trung Quốc tấn công làm đứt nguyên một mảng mạn tàu. Nghe anh em kể, cú đâm trực diện và mạnh đến nỗi tàu đối phương bay mất neo, chết luôn cả 3 máy, mũi tàu dính cứng luôn vào tàu của ta. Chạy về Đà Nẵng “khâu vá” vết thương xong, tàu CSB 4033 lập tức quay lại tiếp tục bám trụ.

Một đêm biển Hoàng Sa nổi dông gió, sóng trùm kín thân tàu. Bất ngờ con tàu CSB 4032 nơi tôi đang tác nghiệp được lệnh hạ xuồng khẩn cấp để sang tàu KN 952 cấp cứu một kiểm ngư viên bị sốt cao trên 40 độ C đang co giật. Những người lính xuồng quả cảm lao đi giữa biển đêm đen kịt, sóng gió như muốn nuốt chửng tất cả. Bệnh nhân sau đó được đưa sang tàu kiểm ngư khác để kịp chạy thẳng vào bờ cấp cứu. “Bọn em quen với nhiệm vụ như này rồi anh ạ. Nhiều lúc không kịp nghĩ đến chuyện sống chết”, nhớ mãi lời kể của anh cảnh sát biển Nguyễn Văn Thông. 

Và bờ thẳm

Là thăm thẳm nỗi nhớ nhung, thăm thẳm nghĩa tình của người nơi hậu phương với những người lính biển.

Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Đà Nẵng tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang là nơi an nghỉ của hơn 720 liệt sĩ. Ngay sau tượng đài nghĩa trang, có một khu vực gồm 6 ngôi mộ gió nằm quây quần dưới một gốc cây lớn. Đó là mộ gió của những người con Đà Nẵng mà thân xác giờ vẫn nằm lại Gạc Ma ngày 14/3/1988: Phan Văn Sự, Trương Quốc Hùng, Lê Văn Xanh, Trần Tài, Nguyễn Hữu Lộc, Phan Văn Lợi.

Hồi năm 2011 tôi lên đây, cùng người quản trang Phan Văn Nuôi ra thắp hương mộ gió. Khu mộ tràn ngập những vòng hoa tươi của các cơ quan, đơn vị, trường học lên viếng nhân tháng Bảy tri ân. Chúng tôi trò chuyện về mộ gió, điều tưởng như chỉ quen thuộc ở đảo Lý Sơn, nơi tưởng niệm những người lính Hải đội Hoàng Sa không trở về từ 300 năm trước. Mới đây quay lại, tôi gặp người quản trang khác là anh Trần Văn Hùng, tổ trưởng phụ trách nơi này. Không chỉ lý lịch và hy sinh của các liệt sĩ Gạc Ma, anh còn nhớ và thuộc tên từng cha mẹ, thân nhân của liệt sĩ, và bảo lâu ngày không thấy ai đó lên thăm mộ thì chắc là họ đã mất rồi.

Cha, mẹ và thân nhân liệt sĩ Gạc Ma tưởng nhớ về những người con đã nằm lại biển khơi. 

Anh Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP. Đà Nẵng (giai đoạn 1984 - 1988) kể, một trong những người mẹ cuối cùng của liệt sĩ Gạc Ma ở Đà Nẵng là mẹ Nguyễn Thị Trước – mẹ liệt sĩ Phan Văn Lợi, mới năm ngoái anh em còn ghé thăm, nay cũng vừa ra đi ở tuổi 93. Người cựu binh Trường Sa Nguyễn Văn Tấn cùng đồng đội từng đi xin tài trợ từng khung ảnh, cái tủ thờ để giúp nơi thờ của các đồng đội được khang trang hơn. Hằng năm, Ban liên lạc cùng với Hội Cựu chiến binh Lữ đoàn 83 Công binh Hải quân (đơn vị cũ của các liệt sĩ) đều long trọng tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma đầy xúc động.

Nhớ mãi cuộc hội ngộ cuối cùng đẫm nước mắt với người cựu binh “Dũng Gạc Ma” tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng hồi năm 2016. Sau hải chiến Gạc Ma ngày14/3/1988, cựu binh Dương Văn Dũng bị phía Trung Quốc bắt giam cùng 8 đồng đội khác, hơn 3 năm sau mới được trả về. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, anh lại mắc bệnh ung thư não. Bộ đội Trường Sa TP. Đà Nẵng cùng phóng viên chúng tôi, 6 đồng đội Gạc Ma hiện còn sống trên cả nước đã tìm về với anh. Hình ảnh cuối cùng của “Dũng Gạc Ma” là trong bộ quân phục Hải quân, cùng đồng đội quây tròn thành “Vòng tròn Gạc Ma” bên giường bệnh, say sưa hát về Trường Sa…

Sau khi anh Dũng ra đi, vợ anh là chị Trần Thị Lợi càng thêm nặng gánh. Cô con gái út là Dương Thị Mỹ Linh sinh năm 2003 đang học ngành Quản trị du lịch và dịch vụ hàng không (Đại học Duy Tân) khả năng phải nghỉ học vì sợ không kham nổi học phí. Và rồi một tin vui, đó là dịp kỷ niệm 36 năm Gạc Ma mới đây, đích thân lãnh đạo Trường Đại học Duy Tân đã đến tận nhà thăm hỏi và trao quyết định tặng “nóng” học bổng toàn phần (100%) cho con gái anh “Dũng Gạc Ma” trong 3 năm học còn lại với kinh phí gần 120 triệu đồng. Trường cũng cam kết sẽ đồng hành, giúp đỡ em trong suốt chặng đường học tập về sau…

Có một tình yêu thật lớn cả đất nước dành cho những người lính luôn đối mặt hiểm nguy, sẵn sàng đổ máu để bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​