Multimedia Đọc Báo in

Chuyện những người đo nắng gió giữa biển khơi

05:54, 22/09/2024

Bất chấp nắng hay mưa, ngày hay đêm, biển lặng dịu êm hay sóng càn bão tố, họ vẫn phải “trằn mình” tận nơi đo mực nước, hứng gió để phân tích số liệu chính xác phục vụ cho công việc dự báo thời tiết mỗi ngày…

1. Trung tá Lê Xuân Nam, nguyên chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/7 Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân bảo, nếu trắc thủ radar được gọi là người “siêu âm tàu biển” tức là tàu đi đến đâu, ở vị trí nào đều nắm được, thì chiến sĩ quan trắc khí tượng được ví như “bác sĩ bắt mạch thời tiết”. “Để có số liệu chính xác dự báo thời tiết gửi về đất liền, các quan trắc viên phải thay phiên nhau trực canh liên tục ngày, đêm, bất kể nắng hay mưa, mùa biển lặng hay bão tố. Tất cả vì sự bình yên của các công trình trên tuyến đầu của Tổ quốc”, Trung tá Nam cho hay.

Công việc “đếm gió, đong mưa, đo nước” của các chiến sĩ trắc thủ khí tượng là nhiệm vụ “chuyên biệt đặc thù”. Để có bản tin dự báo chính xác về thời tiết vùng biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được phát đi trên toàn quốc mỗi ngày, Trung tá Lê Xuân Nam đã cùng các thành viên tổ quan trắc khí tượng ngày đêm “đếm gió, đong mưa, đo nước” từ thực địa nhà giàn. Một ngày đêm có 24 giờ thì các quan trắc phải “đo” 12 lần mực nước, “đếm” 12 lần gió. Số liệu tổng hợp được mã hóa bằng mật mã cơ yếu gửi về Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là cơ sở đầu tiên để cho ra những bản tin dự báo thời tiết chính xác mỗi ngày.

Nhiệm vụ “đo mực nước biển, đếm gió trời” là cả một công việc tỉ mỉ, cẩn trọng. Trong hệ thống 15 nhà giàn DK1 hiện nay, DK1/7 là nhà giàn duy nhất được lắp đặt hệ thống khí tượng thủy văn do các trắc thủ khí tượng đảm trách. Các chân đế nhà giàn đều được đánh dấu “mực nước”; thủy triều dâng đến đâu, ứng với “nấc thang số liệu” đến đó. “Nấc thang số liệu” cũng chính là “số đo” của mực nước biển. Dựa vào số đo này, các cơ quan chuyên môn sẽ phân tích tổng hợp và dự báo được biển trong những ngày tới có động hay không. Ban ngày việc đo mực nước dễ dàng hơn. Chỉ cần nhìn vào trụ cột chân đế nhà giàn, nước dâng đến đâu là đo đến đó. Nhưng đêm tối, các trắc thủ phải cầm đèn pin đi xuống sàn cập tàu, rọi vào các chân đế để đo. Sóng yên biển lặng thì việc đo mực nước dễ dàng, song đêm tối sóng to gió lớn, việc đo mực nước biển rất khó khăn nguy hiểm. Dẫu ánh sáng của đèn pin chuyên biệt rọi xa, nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Ấy là chưa kể nguy cơ trượt chân rớt xuống biển trong đêm tối nếu không cẩn trọng.

Các trắc thủ khí tượng lắp đặt hệ thống “đếm gió, đong mưa” giữa biển trời. Ảnh do DK1 cung cấp

 “Việc “đếm gió” trời nhàn hơn nhưng cũng phải bảo đảm chính xác thời gian theo quy định. Trên sân thượng nhà giàn lắp hệ thống quạt gió. Số vòng quay của quạt gió thu được từ tốc độ gió thổi trong mỗi giây, chính là số liệu cần thiết báo hiệu trong những ngày tới vùng biển đảo có bão tố, hay gió lớn không? Chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, cứ đến ca trực là vào vị trí chiến đấu”- trắc thủ khí tượng, chiến sĩ Hà Quốc Khánh từ nhà giàn DK1/7 chia sẻ.

2. Đã 9 năm ròng ở nhà giàn DK1 với công việc “đo nước, đếm mưa”, nhân viên khí tượng Trần Thành Công trải lòng: “Công việc của nhân viên khí tượng luôn bận bịu như có con mọn suốt ngày đêm. Một ngày đêm có 24 giờ, thì chúng tôi làm việc 12 phiên. Cứ 2 giờ đo gió, nhìn mực nước một lần. Ngày bình thường còn đỡ, gặp ngày giông bão, mưa to, cũng phải xuống sàn công tác đo, nhìn thủy triều. Bởi lúc sóng dâng cao trong lúc mưa lớn, là số liệu đo được chính xác nhất. Ở biển khơi giông lốc bất thường, nhiều khi nửa đêm về sáng tôi phải bò lên trần nhà đo tốc độ gió. Mặc dù gian khổ, nhưng đó cũng là nhiệm vụ. Để có bản tin dự báo thời tiết chuẩn xác, bất luận trong điều kiện thời tiết nào, cũng không được phép lơ là, mất cảnh giác”.

Quan sát mặt biển bằng kính ngắm TZK để đánh giá độ sóng ở nhà giàn DK1. Ảnh: Lê Xuân Nam

Anh Công cho biết, đối với lĩnh vực khí tượng phải thu thập dữ liệu về tầm nhìn xa, cường độ mưa, nhiệt độ, lượng mưa. Đối với thủy văn phải quan sát độ cao mực nước biển, trạng thái mặt biển, hướng sóng, cấp sóng.

Ngày đêm có 24 giờ thì đo 12 lần. Cứ 4 giờ báo cáo về Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu một lần bất kể ngày hay đêm. Khi có bão đến hoặc trường hợp khẩn cấp thì 30 phút phải báo một lần. “DK1/7 là nhà giàn duy nhất đặt trạm khí tượng hải văn tiêu chuẩn phát báo quốc tế (trạm cấp I, phát báo 4 obs/ngày).

Biên chế quân số thường xuyên thiếu hụt nên anh em thay ca nhau trực ở nhà giàn 8 tháng mới được vào đất liền một lần. Cũng có người đón hai cái tết ở biển mới về nghỉ phép một tháng rồi lại ra nhà giàn làm nhiệm vụ. Công việc khó khăn, nhọc nhằn lắm nhưng vì sự bình yên của các công trình biển, nhọc nhằn lại tan biến”, anh Công tâm tình.

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.