Multimedia Đọc Báo in

Thương nhớ Trường Sa

15:07, 27/01/2025

Với những công dân từng sinh sống và làm việc trên quần đảo Trường Sa, những cái Tết đơn sơ, giản dị, thắm tình quân dân giữa muôn trùng khơi xa, sóng nước thật thiêng liêng, đặc biệt.

Về lại đất liền, dẫu cuộc sống mưu sinh bộn bề, vất vả nhưng ký ức về những ngày tháng sinh sống, làm việc ở Trường Sa vẫn đọng mãi trong tâm trí họ.

Trong Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma thuộc địa bàn xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) có một cây bàng vuông sum suê tỏa bóng, do vợ chồng cô giáo Bùi Thị Nhung (Trường Tiểu học Cam Hải Đông) cất công mang về từ đảo Trường Sa Lớn hiến tặng. Đều đặn mỗi tháng hai lần, tối mùng một với ngày rằm, vợ chồng chị Nhung lại đưa các con đến đây thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền biển đảo Việt Nam. Được cô Nhung truyền lửa trong những giờ lên lớp, tình yêu biển đảo quê hương của các thế hệ học sinh Trường Tiểu học Cam Hải Đông cũng lớn dần lên theo năm tháng.

Bên trang giáo án còn thơm mùi mực mới, ngồi ôn chuyện Trường Sa, chị Bùi Thị Nhung xúc động: “Năm 2008, khi đang dạy học trên đảo Bình Ba (thuộc TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), biết Nhà nước có chủ trương đưa các giáo viên trẻ ra Trường Sa công tác, tôi bàn với chồng rồi viết đơn tình nguyện xin đi. Trong buổi phỏng vấn, thẩm định hồ sơ, biết tôi đã có gia đình và một cô con gái nhỏ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thủ trưởng Vùng 4 Hải quân đặt vấn đề: “Nếu bây giờ chúng tôi tạo điều kiện cho cả gia đình chị chuyển ra Trường Sa sinh sống và công tác, để vợ chồng con cái được gần nhau, chị cảm thấy thế nào?”. Không giấu được niềm vui, vợ chồng tôi liền gật đầu đồng ý”.

Chị Bùi Thị Nhung chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, chiến sĩ hải quân, người dân và các cháu học sinh trên đảo Trường Sa Lớn.

Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, tháng 6/2008, từ Quân cảng Cam Ranh, gia đình chị Nhung cùng 20 hộ dân khác bịn rịn chia tay người thân, theo tàu ra với Trường Sa.

Cao to, nhanh nhẹn, anh Đặng Thanh Chương - chồng chị Nhung được kết nạp vào lực lượng dân quân vừa tham gia tuần tra, canh gác, sẵn sàng chiến đấu, vừa đảm nhận công việc bếp núc, nấu ăn cho cán bộ, chiến sĩ hải quân trên đảo.

Ngày ấy, do số lượng trẻ em ở Trường Sa Lớn còn khá ít nên chị Nhung được phân công dạy lớp ghép cả học sinh mầm non và tiểu học, từ lớp 1 - lớp 5. Con gái chị cũng theo học trong lớp mẹ. Mỗi ngày hai buổi đến trường, mỗi tuần biên soạn 6 bộ giáo án cho 6 đối tượng học sinh khác nhau khiến chị gần như không có thời gian nghỉ ngơi.

Song tình yêu dành cho học trò là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần mạnh mẽ để chị không ngừng nỗ lực và phấn đấu. Ngoài các môn văn hóa, chị còn dạy các em học hát, học múa, tiếng Anh, Tin học để khi trở lại đất liền học cấp II, các em có thể theo kịp bạn bè cùng trang lứa.

Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với chị Nhung trong thời gian công tác ở Trường Sa là chuyến bay vượt biển, về đất liền… vượt cạn. Tháng 4/2011, trong lần ra thăm và làm việc tại Trường Sa, nghe các y, bác sĩ Bệnh xá quân dân y trên đảo báo cáo chị Nhung đang mang thai tháng thứ 8 nhưng thai rất to không thể sinh thường, cần phải mổ, đồng chí Trưởng đoàn quyết định đặc cách cho chị theo máy bay về Bệnh viện Quân y 175 thăm khám, chờ sinh. Gần 14 năm đã trôi qua, song tình cảm, sự quan tâm của đồng chí cán bộ cấp cao và đoàn công tác vẫn được vợ chồng chị Nhung nhắc nhớ.

Hết đợt nọ đến đợt kia, từ năm 2008 đến nay, đã có hàng trăm hộ gia đình ở TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, các huyện Cam Lâm, Vạn Ninh và các địa phương khác của tỉnh Khánh Hòa xung phong ra quần đảo Trường Sa sinh sống và công tác. Tuy công việc, hoàn cảnh khác nhau song ở họ đều có một điểm chung là tình yêu biển cả quê hương vô bờ bến. Xác định đảo là nhà, biển cả là quê hương, trước khi về lại đất liền, các gia đình trên đảo lại tranh thủ cuốc đất, xuống giống, trồng những vườn rau thật tốt, nuôi những đàn gà thật béo và sửa sang, gia cố lại nhà, xem đó là món quà ý nghĩa dành tặng những hộ dân đến ở sau.

Anh Ngô Thành Được (mặc áo đen) tham gia gói bánh chưng, bánh tét cùng bộ đội trên đảo Song Tử Tây.

Trở lại cuộc sống đời thường sau 5 năm gắn bó, sinh sống trên đảo Song Tử Tây, được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, giờ đây cuộc sống của vợ chồng anh Ngô Thành Được và chị Nguyễn Thị Lan (tổ dân phố Phú Hải, phường Cam Phú, TP. Cam Ranh) và nhiều hộ gia đình khác đã dần ổn định.

Với 6 lồng nuôi tôm hùm trên biển, năm 2024, vợ chồng anh Được, chị Lan thu lãi gần 300 triệu đồng, có điều kiện lo cho các con học tập. Anh Được cho biết: “Mỗi cái Tết ở đảo đều là kỷ niệm đẹp đối với chúng tôi. Từ 23 tháng Chạp, các gia đình trên đảo sẽ luân phiên tổ chức tất niên, mời cán bộ, chiến sĩ các đơn vị kết nghĩa và bà con lối xóm đến chung vui.

Giữa mênh mông sóng nước khơi xa, mâm cơm ngày Tết của bà con trên đảo vẫn đậm đà hương vị truyền thống của quê nhà, riêng rượu bia là điều cấm kỵ, không ai được phép mang lên đảo. Đêm Giao thừa, bộ đội cùng bà con sôi nổi tổ chức liên hoan, giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ, mừng đón Xuân về. Trong Lễ chào cờ đầu năm mới, lời thề giữ biển được bà con cùng bộ đội quyết chí hô vang”.

Thương nhớ Trường Sa, trong không khí vui tươi của ngày đầu năm mới, những câu chuyện về tình quân dân cá nước, những cái Tết đặc biệt nơi đảo xa luôn được mọi người kể rất say sưa.

Hà Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-Magazine) Hành trình chạm đến ước mơ
Với sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo và tinh thần xung kích, vì cộng đồng, những ước mơ, hoài bão của nhiều thanh niên thế hệ mới đang dần được thực hiện, tỏa sáng và truyền cảm hứng tích cực đến mọi người…