Multimedia Đọc Báo in

Truyền thông quốc tế đưa tin về Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam

10:03, 21/01/2016
Nhân Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, các hãng truyền thông lớn của khu vực và quốc tế tiếp tục có nhiều tin bài, nhận định ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng cả về chính trị và kinh tế của Đại hội lần này đối với Việt Nam. 
 
Nhật báo Thượng Hải (Shanghaidaily) của Trung Quốc có bài phân tích “Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tạo động lực phát triển”. Bài viết nhận định, dựa trên những thành tựu của tiến trình 30 năm thực hiện đổi mới, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần này chắc chắn sẽ tạo thêm động lực cho sự phát triển của đất nước. Tác giả bài viết đã chỉ ra rằng, vượt qua vô vàn khó khăn do tình hình chung của kinh tế thế giới trong 5 năm qua, tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở mức ổn định và trong năm 2015 vừa qua, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 6,68% trong khi lạm phát được kiềm chế ở mức thấp dưới 5%. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2011 đạt 1.260 USD, đưa Việt Nam vào nhóm nước có thu nhập trung bình và theo số liệu của Chính phủ Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 vừa qua vượt ngưỡng 2.200 USD. 
 
Những bông hoa có gắn hình búa liềm trên đường phố Hà Nội. (Ảnh do hãng tin Bloomberg chụp.)
Những bông hoa có gắn hình búa liềm trên đường phố Hà Nội. (Ảnh do hãng tin Bloomberg chụp).
 
Bên cạnh đó bài viết của Nhật báo Thượng Hải đặc biệt nhấn mạnh tiến bộ ấn tượng của Việt Nam trong công tác xây dựng Đảng những năm gần đây khi số đảng viên tăng từ 3,1 triệu năm 2006 đến nay lên 4,5 triệu người. Việc Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn một trong những trọng tâm là “xây dựng Đảng trong sạch và vững mạnh” đã nêu bật tầm quan trọng của công tác này. Theo tác giả, tăng cường kỷ luật đảng là yếu tố then chốt giúp Đảng Cộng sản Việt Nam ngăn chặn được những biểu hiện của “các nhóm lợi ích” và tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng.
 
Trong khi đó, tờ “Granma”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba cũng đăng bài nhấn mạnh “Tiến trình đổi mới ở Việt Nam, chủ đề trung tâm của Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam”. Bài viết nêu rõ, Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tập trung vào việc “làm thế  nào để tăng cường tính minh bạch trong Đảng, củng cố và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc cũng như dân chủ xã hội”. Tiến trình đổi mới, kế hoạch phát triển quốc gia và củng cố bộ máy tổ chức là những vấn đề chính của Đại hội đảng lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Cũng với góc nhìn này, Hãng thông tấn Cuba Prensa Latina có bài nhận định, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam là một cột mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình đổi mới toàn diện và đồng bộ được tiến hành từ năm 1986. Bên cạnh việc phân tích, đúc rút kinh nghiệm của 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đại hội lần này cũng sẽ tập trung tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương của kỳ Đại hội trước, đồng thời vạch ra các mục tiêu và kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong bối cảnh nhận thức rõ về các thách thức lớn trên con đường hướng tới các mục tiêu này. Bài viết nhấn mạnh, với mục tiêu rõ ràng là duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển bền vững và đổi mới toàn diện để xây dựng một quốc gia thịnh vượng, công bằng và văn minh, thúc đẩy dân chủ và coi con người là nhân tố chính của mọi hoạt động, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII với trọng tâm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại.
 
Trong khi đó, bài viết về Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đăng trên trang tin Bloomberg của Mỹ hướng sự quan tâm của độc giả đến những tác động của Đại hội lần này đối với phát triển kinh tế của Việt Nam, cụ thể là những khía cạnh như cải cách doanh nghiệp Nhà nước và thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại mới (với Liên minh châu Âu EU, Hàn Quốc và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP) cũng như những biện pháp hóa giải căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông. Bloomberg dẫn dự thảo mới nhất của kế hoạch phát triển 5 năm đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế thường niên trong giai đoạn này là 7%. Theo Hãng tin tức chuyên về kinh tế này, nếu thực hiện được mục tiêu trên, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. 
 
Đường phố Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Đường phố Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN
 
Trung tâm Quan hệ Quốc tế (CSM), một trong những trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Ba Lan, đã có bài bình luận với tiêu đề “Việt Nam: Chủ nghĩa xã hội với gương mặt mới”. Trong bài bình luận, tiến sỹ Malgorzata Bonikowska, Chủ tịch CSM và nhà báo Rafal Tomanski thuộc nhật báo Rzeczpospolita (Cộng hòa) đã chia sẻ với bạn đọc Ba Lan cảm nhận của họ về sự phát triển kinh tế và con người Việt Nam hiện nay.
 
Nói về thành phố mang tên Hồ Chí Minh, tiến sỹ Malgorzata Bonikowska nhận định, sau bốn thập kỷ được giải phóng, TP.Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm kinh tế lớn với tốc độ phát triển nhanh chóng. Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, đời sống của người dân Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Bài báo dẫn lời đương kim Đại sứ Mỹ Ted Osius tại Việt Nam cho rằng người dân Việt Nam có tư duy kinh doanh hàng đầu thế giới. Trong khi đó, ấn tượng về Đà Nẵng đọng lại trong tâm trí nhà báo Rafal Tomanski là những bãi biển dài tuyệt đẹp và cầu Hàm Rồng hiện đại bắc qua dòng sông Hàn. Những cuộc trình diễn pháo hoa quốc tế thường niên đã xóa nhòa ký ức về một thành phố từng là căn cứ quân sự và căn cứ không quân quy mô trên thế giới. Thành phố này cũng sẽ là nơi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017. 
 
Bài viết kết luận, bốn thập kỷ sau chiến tranh, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam đã từ mức khoảng 100 USD tăng lên 2.000 USD. Để tiếp tục duy trì sự phát triển và thịnh vượng, Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế với những hy vọng mới sau khi ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và phấn đấu để được công nhận là “nền kinh tế thị trường”.
 
Hồng Thủy (Theo VOV, TTXVN)
 
 

Ý kiến bạn đọc