Bầu cử và thực hiện quyền bầu cử
Ngày 25-11-2015, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 105/2015/QH13 về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Theo Nghị quyết này, ngày bầu cử được tiến hành vào chủ nhật, ngày 22-5-2016.
Bầu cử là phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Cuộc bầu cử luôn được xem là một trong những sự kiện xã hội – chính trị quan trọng của nhân dân. Quyền bầu cử là quyền chính trị quan trọng của người dân, làm tăng tính hiện thực của quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
Tuy nhiên, thực trạng có cử tri đi bầu thay, hoặc bầu mà không biết mình bầu cho ai, hoặc thờ ơ với chính quyết định bầu của mình là những biểu hiện của việc người dân từ chối quyền của mình. Ngoài những yếu tố như hoàn cảnh gia đình, sự cách trở về địa lý, vấn đề di dân tự do hay cách tổ chức bầu cử, thì áp lực phải đạt 100% cử tri đi bầu có lẽ là lý do chính dẫn tới tình trạng cử tri đi bầu thay.
Thực tiễn cho thấy, bằng cách này hay cách khác, khi người dân tham gia quản trị, các công chức và các nhà quản lý tất yếu phải có trách nhiệm hơn trong việc ra quyết định, và từ đó, các quyền dân sự và chính trị của người dân được bảo đảm hơn. Sự tham gia của người dân trong quản trị đã được chứng minh giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện quản lý các nguồn lực công, góp phần làm giảm tham nhũng.
Vậy thì, để kết quả bầu cử phản ánh "ý nguyện và sức mạnh toàn dân", để xây dựng một Quốc hội mạnh hơn quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước trong thời kỳ hội nhập, trước hết cần bảo đảm quyền “mỗi người một phiếu” trong bầu cử các cấp, bảo đảm sự tham gia của các nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương trong bầu cử. Nhưng hơn hết là tăng cường nhận thức và trao quyền cho người dân được lên tiếng thông qua việc tăng cường tiếp cận thông tin.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc