Đổi mới, thiết thực góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Cà phê Buôn Ma Thuột
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 với sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương đang được chính quyền địa phương các cấp đặc biệt chú trọng, với quyết tâm đây sẽ là kỳ lễ hội có nhiều đổi mới, nâng cao giá trị thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, đồng thời tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư. Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội NGUYỄN HẢI NINH về vấn đề này.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Nguyễn Hải Ninh trả lời phỏng vấn. |
- Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là sự kiện được chờ đợi nhất của năm 2017, xin đồng chí cho biết những điểm mới trong tổ chức lễ hội lần này?
• Lễ hội lần này chính thức diễn ra từ ngày 8-3 đến 13-3-2017 với các chương trình chính đặc sắc như: Lễ khai mạc với chủ đề: “Hội tụ tinh hoa - phát huy bản sắc - liên kết phát triển”; Lễ bế mạc với chủ đề: “Buôn Ma Thuột hẹn ngày gặp lại”; Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê có chủ đề “Cà phê chất lượng vì sức khỏe cộng đồng”; Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên năm 2017; Hội thảo về cà phê; Lễ hội đường phố; Chung kết Hội thi nhà nông đua tài; Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc; Chương trình “Đêm hội vào mùa”; Thưởng thức cà phê miễn phí...
Điểm mới và đặc biệt của Lễ hội lần này là tổ chức Lễ hội cà phê cùng với Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng và Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4; cả ba hoạt động lớn trong một chương trình. Nét mới nữa là các chương trình được thiết kế để người dân trở thành chủ thể của Lễ hội, từ chương trình tôn vinh người trồng cà phê đến các hoạt động xúc tiến, quảng bá doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu. Bên cạnh đó, huy động sự tham gia của đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên cũng như giao lưu văn hóa với các đội cồng chiêng của một số nước trên thế giới trong Lễ hội đường phố, các đêm diễn tấu cồng chiêng... So với các kỳ Lễ hội trước, Lễ hội lần này có nhiều chương trình đặc sắc, phong phú hơn với sự tham gia các của địa phương trong khu vực như: Phục dựng các nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng; Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên; Triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”. Bên cạnh đó, Hội nghị Xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017 là hội nghị lớn với sự chủ trì của lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước, hứa hẹn thiết lập nhiều cơ hội, sự hợp tác thực chất, có hiệu quả.
- Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017 được tổ chức song hành với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của vùng. Xin đồng chí cho biết về những cơ hội giao thương và thu hút đầu tư đối với Đắk Lắk và Tây Nguyên trong dịp này?
•Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017 được lãnh đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì tổ chức, với sự hưởng ứng và tham gia tích cực của xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch; tạo cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu. Ban tổ chức Lễ hội cũng đã mời đại diện các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao đến tham dự; từ đó, kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội kết nối, giao thương giữa Đắk Lắk và doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài. Yêu cầu về mặt nội dung đối với Hội nghị là tập trung vào định hướng thu hút nhà đầu tư, nguồn lực trong và ngoài nước, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, năng lực của Tây Nguyên trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tín dụng cũng như thúc đẩy liên kết, kết nối vùng Tây Nguyên với các vùng kinh tế phát triển lân cận. Hy vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư đến với Lễ hội và quay trở lại Đắk Lắk, Tây Nguyên.
- Đây đã là lễ hội lần thứ sáu, việc tận dụng giá trị từ thương hiệu đã tạo dựng được qua các lần tổ chức trước để quảng bá hiệu quả hơn nữa hình ảnh, thu thút đầu tư, du lịch… được tỉnh đặc biệt chú trọng; công tác chuẩn bị cho Lễ hội được tỉnh rất quan tâm. Vậy xin đồng chí cho biết đến nay công tác này đã triển khai như thế nào?
•Ngay từ khi bắt đầu triển khai công tác chuẩn bị cho Lễ hội, Ban tổ chức đã xác định đổi mới trong cách thức tổ chức để lễ hội lần này mang lại ý nghĩa thiết thực hơn, nhất là trong chiến lược thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê cũng như tôn vinh các giá trị văn hóa của các dân tộc bản địa. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội được các tiểu ban tích cực triển khai và bảo đảm các kế hoạch đề ra. Chương trình khai mạc, bế mạc đã hoàn thành kịch bản MC theo hướng kết hợp văn hóa truyền thống với hiện đại đã được UBND tỉnh phê duyệt; Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê dự kiến quy mô khoảng 700 gian hàng, đến nay các doanh nghiệp đã đăng ký đạt 80% số lượng; công tác chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4 do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức đang được tích cực triển khai. Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được tỉnh phê duyệt đề án với các nội dung: Đêm hội diễn tấu cồng chiêng, ngoài sự tham gia của các đội nghệ nhân trong khu vực còn mời thêm đội chiêng Kơ Tu (Quảng Nam); Phục dựng các nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng tại buôn Ako Dhông, Khu du lịch Sinh thái – Văn hóa Ko Tam (TP. Buôn Ma Thuột) và huyện Buôn Đôn; Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên có sự tham gia của nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên, Phú Yên, Khánh Hòa tại Khu du lịch Sinh thái – Văn hóa Ko Tam; Triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”; và Chương trình “Hành trình du lịch di sản”. Các chương trình: Hội thảo chuyên ngành cà phê với chủ đề “Ngành cà phê Việt Nam trước bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế”, Lễ hội đường phố, Hội thi Nhà nông đua tài, Đêm hội vào mùa, Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc, Thưởng thức cà phê miễn phí cũng đang được tiến hành theo đúng tiến độ...
Để tạo sức lan tỏa, chiến dịch truyền thông trong lễ hội lần này được UBND tỉnh đặc biệt chú trọng. Ngày 25-12 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức thành công cuộc họp báo tại TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến ngày 6-2, sẽ tổ chức tại Thủ đô Hà Nội để tiếp tục quảng bá sâu rộng hơn nữa về Lễ hội lần này...
Kế thừa những thành công của 5 lần tổ chức trước, với một lễ hội được sự quan tâm từ Bộ ngành Trung ương đến địa phương, với nhiều chương trình hấp dẫn, chúng tôi tin tưởng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 sẽ thu hút nhiều du khách, bạn bè quốc tế. Mọi sự chuẩn bị của UBND tỉnh cũng chính nhằm vào mục đích tận dụng tối đa cơ hội này để mở ra cơ hội giao thương, giao lưu quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên, thu hút hơn nhiều nhà đầu tư đến với mảnh đất giàu tiềm năng như Đắk Lắk, Tây Nguyên. Và với nhiều nội dung và cách làm sáng tạo, UBND tỉnh mong muốn lễ hội là điểm hẹn của người yêu cà phê, yêu văn hóa Tây Nguyên.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Lê Hương (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc