Multimedia Đọc Báo in

Các cơ sở lưu trú sẵn sàng phục vụ du khách chu đáo trong dịp Lễ hội

07:30, 27/02/2017

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có 196 cơ sở lưu trú (CSLT) (trong đó, có 67 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, 129 nhà nghỉ, 1 biệt thự du lịch) với trên 4.100 buồng, phòng có thể phục vụ hơn 7.000 lượt khách du lịch lưu trú trong cùng một thời điểm.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách dự đoán sẽ tăng đột biến trong dịp Lễ hội sắp tới, sở còn vận động thêm một số gia đình thực hiện dịch vụ homestay, 1.000 phòng ở ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố với  sức chứa hơn 15.000 lượt khách.

Xác định hoạt động kinh doanh lưu trú giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp ban đầu cho du khách khi đến với tỉnh, các CSLT đã sớm chủ động lên kế hoạch đón tiếp, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực đầy đủ để phục vụ khách. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã chủ động nâng cấp trang thiết bị, tu sửa buồng, phòng, đổi mới đồ dùng để thu hút du khách, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ cũng được các CSLT chuẩn bị khá chu đáo. Các nhân viên đều đã được qua lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng buồng phòng, ngoại ngữ, ứng xử phục vụ khách. Đặc biệt, các CSLT đề cao việc ứng xử thân thiện, trung thực với du khách.

Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê đã hoàn thành việc chỉnh trang, sẵn sàng đón tiếp chu đáo du khách đến lưu trú dịp Lễ hội sắp tới.
Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê đã hoàn thành việc chỉnh trang, sẵn sàng đón tiếp chu đáo du khách đến lưu trú dịp Lễ hội sắp tới.

Ông Lê Văn Đức, Phó Giám đốc Khách sạn Sài Gòn- Ban Mê (01-03 Phan Chu Trinh) cho biết, đơn vị vừa hoàn thành việc chỉnh trang cảnh quan, đầu tư sơn sửa, mua sắm thêm chăn, gối nệm, đồ dùng… phục vụ du khách trong dịp lễ hội. Đến thời điểm này, đã có 80% số phòng được khách đặt trước, trong đó, khách nước ngoài chiếm đến 50%. Khi khách điện thoại đến đặt phòng, ngoài việc báo giá, nhân viên lễ tân của khách sạn cũng chú trọng giới thiệu cụ thể các chương trình chính của lễ hội, tư vấn các điểm ăn uống, vui chơi, thưởng thức ẩm thực đặc sản của địa phương khi đến với Đắk Lắk.

Chị Nguyễn Thị Hòe, chủ khách sạn Trường Ngọc (128 Lê Thánh Tông) cũng cho hay, những ngày này, công tác chuẩn bị, bảo đảm chỗ ăn, nghỉ lịch sự, thoáng mát, hợp lý cho du khách mùa lễ hội đang được triển khai khẩn trương. Nhất là khâu vệ sinh buồng phòng sạch sẽ, bảo đảm an toàn tài sản cá nhân của du khách được khách sạn đặc biệt lưu tâm. Đây không chỉ nhằm giữ uy tín của khách sạn mà còn là nỗ lực để tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bên cạnh việc nâng cao chất lượng phục vụ, vấn đề giữ mức giá hợp lý, nhất là vào mùa lễ hội đóng vai trò quyết định đến sự lựa chọn và tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách. Do đó, 100% nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ homestay trên địa bàn đều cam kết không tăng giá phòng, dịch vụ trong dịp này. Theo khảo sát, mức giá lưu trú trên địa bàn thành phố dao động từ 200.000 đồng đến trên 2,5 triệu đồng/phòng/ngày đêm. Đối với các loại dịch vụ đi kèm khác, CSLT vẫn tính  theo mức giá đã được niêm yết trước đó.

Đón tiếp, tư vấn cho du khách tại Khách sạn Đam San.
Đón tiếp, tư vấn cho du khách tại Khách sạn Đam San.

Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, nhiều khách sạn ở TP. Buôn Ma Thuột như Hai Bà Trưng (số 8 đường Hai Bà Trưng), Dakruco (30 Nguyễn Chí Thanh), Đam San (212 Nguyễn Công Trứ), Coffee tour (149-153 Lý Thái Tổ), Trường Ngọc (128 Lê Thánh Tông)… đều đã kín phòng vào những ngày chính hội.  Rút kinh nghiệm từ mấy mùa lễ hội trước, năm nay, khách có xu hướng đặt phòng sớm hơn từ 1- 2,5 tháng trước để tránh tình trạng hết phòng. Chị Nguyễn Thị Hòe cho hay, hiện khách sạn đã hết phòng trống trong dịp lễ hội. Khách đặt phòng phần lớn là khách quen cũ quay trở lại tỉnh tham quan, vui chơi trong dịp này. Năm nay, khách đi theo đoàn tăng khá nhiều so với những lần lễ hội trước.

Theo ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì các CSLT đang tích cực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để phục vụ khách đến tham quan, nghỉ ngơi. Ngoài việc chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, không chèo kéo, tự ý nâng giá thì chất lượng của đội ngũ nhân viên phục vụ cũng được nhiều CSLT chú trọng nâng cao. Theo kế hoạch, trước khi lễ hội diễn ra, sở sẽ tổ chức đoàn thanh, kiểm tra lần cuối cùng chất lượng các CSLT cũng như công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… của các CSLT. 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.