Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam có thể trở thành cường quốc xuất khẩu cà phê chất lượng cao

11:01, 10/02/2017

Bên lề buổi họp báo giới thiệu về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 - năm 2017 vừa tổ chức tại thủ đô Hà Nội, bà NGUYỄN NGA, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Phát triển N.N đã có những chia sẻ thú vị với Báo Đắk Lắk xung quanh cây cà phê và Lễ hội Cà phê.

Bà Nguyễn Nga (bìa trái) đang chia sẻ sự quan tâm về cây cà phê Việt Nam.
Bà Nguyễn Nga (bìa trái) đang chia sẻ sự quan tâm về cây cà phê Việt Nam.

°Là kiến trúc sư, nhưng bà lại rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đối với cây cà phê. Vậy, bà có thể chia sẻ về điều này?

Tôi là kiến trúc sư đang sinh sống tại Pháp. Tôi đã về Việt Nam và làm rất nhiều dự án quy hoạch, kiến trúc đô thị từ Nam ra Bắc, trong đó có một dự án tôi rất quan tâm là trùng tu, tôn tạo cầu Long Biên. Hiện nay tôi rất quan  tâm đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng đến những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu ra thế giới  trong đó có cà phê, trà và gạo. Tên của Công ty tôi là N.N có thể hiểu là Nguyễn Nga mà cũng có thể là Nông nghiệp.

  °Dành khá nhiều sự quan tâm cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, dường như bà vẫn còn nhiều băn khoăn đối với cây cà phê của Việt Nam?

Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng chỉ mới dừng lại ở cà phê robusta - giá trị không cao. Trên thế giới, cà phê đem lại doanh thu chỉ sau dầu khí, nhưng doanh thu chủ yếu dựa vào 80% từ sản phẩm phê arabica, trong khi đó Việt Nam phần lớn trồng cà phê robusta. Vì vậy dẫu xuất khẩu cà phê với số lượng lớn tới nhiều nước và vùng lãnh thổ nhưng không ít nông dân Việt Nam sẵn sàng nhổ bỏ cà phê khi thấy cây trồng khác có giá hơn. Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng cần quan tâm và xây dựng chiến lược phát triển cà phê phù hợp. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc xuất khẩu cà phê chất lượng cao. Để thành công là một câu chuyện dài liên quan đến nhiều phía, nhiều nhà, tuy nhiên theo tôi nghĩ chúng ta cần phải thay đổi nhận thức trong sản xuất, chế biến cà phê.

Đại biểu thưởng thức cà phê tại buổi họp báo giới thiệu về Lễ hội Cà phê tại thủ đô Hà Nội.
Đại biểu thưởng thức cà phê tại buổi họp báo giới thiệu về Lễ hội Cà phê tại thủ đô Hà Nội.

°Bên cạnh vấn đề chất lượng, theo bà cần có giải pháp gì để giữ gìn, bảo vệ thương hiệu cà phê?

Ở đất nước Quatemala, khi đã có chiến lược phát triển cà phê phù hợp, họ đã tìm đến các chuyên gia về nông nghiệp ở Paris (Pháp) để hỗ trợ về chọn giống, thổ nhưỡng, quy trình sản xuất, đặc biệt là quảng bá sản phẩm ra thế giới một cách chuyên nghiệp. Không dừng lại ở việc truyền thông qua đại sứ mà còn truyền thông trong ngành để sức lan tỏa sâu rộng. Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn về cây cà phê, cần hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất cà phê. Theo tôi, người trồng cà phê là mắt xích quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn ai hết, nông dân biết rõ tôi thích trồng giống cà phê này, loại cà phê này ngon để từ đó nâng niu, chăm sóc và cho ra sản phẩm tốt nhất. Về phía các doanh nghiệp, phải tìm đến những sản phẩm tốt nhất, chế biến ngon nhất, rồi quảng bá ra thị trường thế giới để mỗi khi nhắc đến Việt Nam là nhắc đến cà phê; cũng như nhắc đến Pháp, người ta nhắc đến rượu vang; nói đến hoa tulip - nghĩ ngay đến đất nước Hà Lan vậy!

°Xin cảm ơn bà!

Nguyên Hoa (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.