Multimedia Đọc Báo in

Giấc mơ cà phê "sạch" của chàng trai phố núi

09:48, 10/03/2017

Vốn yêu thích kinh doanh nên sau khi tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Trung Chính (SN 1991) ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar quyết định chọn cà phê để thực hiện đam mê.

Năm 2011, khi còn là sinh viên năm thứ 2 ngành Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh), anh Chính đã cùng nhóm bạn 5 người tập tành kinh doanh. Lúc ấy, mỗi người góp vốn 5 triệu đồng, mở dịch vụ cho thuê trang thiết bị phục vụ sự kiện. Nhờ ăn nên làm ra, sau một năm hoạt động, nhóm của anh phát triển lên thành công ty. Năm 2015, trong một lần đến tham quan cơ sở sản xuất cà phê trộn của người bạn ở Đắk Lắk, anh Chính đã nảy ra ý tưởng kinh doanh. Nhưng giữa thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, có hàng nghìn người kinh doanh cà phê, anh Chính trăn trở tìm hướng đi mới cho mình. Sau đó, anh chọn sản xuất cà phê sạch với mô hình khép kín từ trồng trọt đến khâu chế biến ra thành phẩm. Đúng lúc này phong trào kinh doanh cà phê sạch đang nở rộ chính là “cơ hội vàng” để anh khởi nghiệp.

Anh Chính chia sẻ giấc mơ cà phê
Anh Chính chia sẻ giấc mơ cà phê "sạch" với phóng viên.

Với số vốn khiêm tốn ban đầu 300 triệu đồng, anh Chính thành lập cơ sở rang xay, chế biến cà phê tại thôn 1, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar (tiền thân của Công ty TNHH Coffe K7). Thời gian đầu, cơ sở chủ yếu nhận hợp đồng gia công cà phê cho các khách sạn, công ty, resort ở TP. Hồ Chí Minh để duy trì hoạt động của bộ máy nhân công và thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài. Trong quá trình sản xuất, anh tự nghiên cứu, tìm tòi, tạo ra sản phẩm cà phê nguyên chất mang thương hiệu K7 Coffe và mở chuỗi 4 quán cà phê tại TP. Buôn Ma Thuột để trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Anh Chính cho biết, trong lĩnh vực kinh doanh cà phê, uy tín thương hiệu rất quan trọng, nhất là đối với sản phẩm mới muốn tạo dấu ấn trên thị trường. Do vậy, quy trình sản xuất, chế biến phải được giám sát nghiêm ngặt từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến… mới tạo ra sản phẩm cà phê sạch và nguyên chất, tạo được niềm tin ở khách hàng. Nguồn cà phê để sản xuất ra K7 lấy từ 1,5 ha cà phê của gia đình nên người tiêu dùng yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Nhắm đến khách hàng tiềm năng là những người bận rộn, ít có thời gian để thưởng thức cà phê ở các quán như dân văn phòng, nông dân, công nhân… anh Chính nghiên cứu tạo ra sản phẩm cà phê phin túi lọc bằng giấy rất tiện dụng. Phin túi lọc được mua từ nước ngoài, sau đó gia công lại theo hình chóp để cà phê nhỏ chậm từng giọt đúng kiểu cà phê phin thực thụ. Bên cạnh nâng cao chất lượng, đáp ứng đúng thị hiếu của người tiêu dùng, anh Chính còn tiết giảm tối đa chi phí sản xuất bằng cách cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm, sử dụng nguyên liệu tại chỗ … nên vừa có thể cung cấp sản phẩm cà phê sạch đến tay người tiêu dùng với giá cả phù hợp, đủ sức cạnh tranh với cà phê bẩn, nhưng người sản xuất vẫn có lãi.

Sản phẩm cà phê K7 mới đủ cung cấp cho chuỗi 4 quán cà phê của anh và một lượng khách hàng nhất định gồm công ty, khách sạn ở các thành phố lớn. Hiện anh đang xúc tiến, ký liên kết hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trồng cà phê ở xã Cư Suê. Nếu mọi việc thuận lợi, trong 3 năm tới anh sẽ có một vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng với khoảng 500-1.000 ha. 

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.