Multimedia Đọc Báo in

Nông dân với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột

07:34, 08/03/2017

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 không chỉ quảng bá ngành cà phê ra thế giới mà còn là dịp để người trồng cà phê vui chơi, học hỏi kinh nghiệm và tận hưởng những thành quả mà họ đã góp phần tạo nên.

Là một trong những nông dân đại diện cho tỉnh Sơn La tham dự Lễ hội lần này, ông Nguyễn Xuân Thuyết (bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, TP. Sơn La) rất vui vì đây là lần đầu tiên ông được mời tham dự một lễ hội lớn như vậy. Để có trải nghiệm thú vị nhất, ông đã tìm hiểu về các nội dung của Lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch sắp xếp thời gian trải nghiệm nhiều nội dung của Lễ hội cũng như tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cà phê với người dân Đắk Lắk để về áp dụng trên vườn cà phê chè 6 tuổi, rộng 2 ha của gia đình. Đặc biệt, việc phòng trừ sâu bệnh trên cà phê chè rất khó nên ông mong muốn được gặp gỡ các nhà khoa học để học hỏi kiến thức, tìm kiếm doanh nghiệp có sản phẩm phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc hữu cơ, vi sinh để vừa phòng trừ sâu bệnh hiệu quả vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm cà phê thành phẩm. Tương tự, với lão nông tri điền Nguyễn Văn Đàn (xã Tân Lâm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) thì cây cà phê không còn là cây trồng mới với ông nữa, bởi hiện tại vườn cây 14 ha cà phê xen canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn 4C đã được ghép cải tạo nhiều năm nay. Ông Nguyễn Văn Đàn chia sẻ, diện tích canh tác lớn nên nếu ghép cải tạo cùng lúc thì không bảo đảm cuộc sống cho cả gia đình nên ông đã thực hiện theo hình thức cuốn chiếu 1-2 ha/năm. Theo đó, vườn ghép cải tạo là những diện tích già cỗi nhưng ít sâu bệnh, sau khi hoàn tất việc ghép thì chú trọng bón phân hữu cơ, quản lý sâu bệnh hại tổng hợp IPM... Nhờ cập nhật kiến thức qua sách báo, tạp chí thường xuyên, vận dụng đúng vào thực tiễn mà niên vụ 2016-2017 vừa qua năng suất bình quân của vườn cây vẫn đạt trên 4 tấn cà phê nhân/ha. Những năm gần đây, giá cà phê rất bấp bênh nên khi đến với lễ hội, ông mong muốn tiếp cận kiến thức khoa học mới về tái canh cà phê, tìm kiếm doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu đầu ra ổn định cho cà phê của gia đình.

Người dân tham quan gian hàng cây giống tại Hội chợ - Triển Lãm chuyên ngành cà phê năm 2015.
Người dân tham quan gian hàng cây giống tại Hội chợ - Triển Lãm chuyên ngành cà phê năm 2015.

Còn với Đắk Lắk, không khí Lễ hội đang lan tỏa khắp 15 huyện, thị, thành phố bởi cà phê là cây trồng chính với hơn 203.000 ha (lớn nhất cả nước). Do đó, bà con nông dân đang tất bật hoàn thành công việc đồng ruộng để cùng gia đình tham dự các hoạt động của Lễ hội. Ông Nguyễn Trọng Khánh (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, năm nay ông vinh dự được Nestlé mời tham dự chương trình trao đổi, tìm hiểu kiến thức khoa học trồng, chăm sóc và bảo quản cà phê do Công ty tổ chức nên cả gia đình đang tích cực hoàn thành việc làm cỏ, cắt tỉa cành, tưới nước cho cà phê. Những năm gần đây, thời tiết biến động bất thường, mưa trái mùa kéo dài lại không có hạn nên cà phê vẫn xanh tốt quanh năm khiến hoa rất ít, nở rải rác, tỷ lệ đậu quả thấp vì vậy ông mong muốn các nhà khoa học hãy đến tận vườn tìm hiểu thực tế, có những công trình nghiên cứu giúp người trồng cà phê vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng năm 2017 là dịp để nông dân vui chơi, giao lưu sau một vụ mùa vất vả. Đặc biệt, năm nay Lễ hội có sự giao lưu, gặp gỡ giữa doanh nghiệp, nhà khoa học với các nông dân trồng cà phê đến từ 10 tỉnh trồng cà phê cả nước nên sẽ có sự tương tác, lan tỏa rất rộng. Hy vọng rằng, các du khách, nông dân cả nước nói chung, người trồng cà phê nói riêng sẽ có những trải nghiệm thú vị cũng như tìm hiểu được các kiến thức, đối tác mình cần để phát triển ngành cà phê theo hướng bền vững.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.