Multimedia Đọc Báo in

Một nén hương lòng

10:29, 29/07/2017

Trong cuốn sách “Giáo dục Đắk Lắk thời thắng Mỹ” có giới thiệu về 124 nhà giáo, chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ (dẫu chưa đầy đủ); trong đó ghi rõ sự hy sinh của 5 nhà giáo tại chiến trường Tây Nguyên.

Câu chuyện về các nhà giáo chiến sĩ năm xưa, những đồng đội một thời đồng cam cộng khổ xây dựng sự nghiệp giáo dục trong kháng chiến chống Mỹ ở Đắk Lắk đến giờ vẫn vẹn nguyên trong ký ức thầy Hà Ngọc Đào, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh…

Thắp nén hương cho những đồng nghiệp năm xưa tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Krông Pắc, thầy Đào bồi hồi nhớ lại hình ảnh lớp lớp thầy cô giáo tuổi đời còn rất trẻ đã vượt Trường Sơn vào Đắk Lắk dạy học. Vào tháng 1-1970, Trường Bổ túc văn hóa đặt gần buôn Chàm Ngó, xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) chỉ có  6 thầy cô giáo, 13 giáo sinh, 4 cây xà gạc, 2 cái rựa, 5 cái cuốc, 2 khẩu CKC với đầy ắp mơ ước xây dựng sự nghiệp giáo dục Đắk Lắk phát triển. Thầy Đào xúc động kể lại: “Hồi ấy phấn viết bằng sắn lát khô, sơn bảng đen bằng lá khoai lang giã với nhọ nồi, tối học bài nhờ đĩa đèn đốt bằng nhựa cây chai. Giữa buổi học ngày thứ hai, học trò phải khiêng bảng đen chạy lên núi để tránh càn và học ở trên đó cho đến khi địch rút quân”.

Thầy Hà Ngọc Đào thắp hương cho các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Krông Pắc.
Thầy Hà Ngọc Đào thắp hương cho các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Krông Pắc.

Trong hồi tưởng của mình, thầy Đào nhớ rất rõ hình ảnh những học sinh từ dinh điền lên chiến khu, hình ảnh thầy trò đi phục vụ chiến dịch giải phóng quê hương, trường học bị cháy và nhất là hình ảnh những đồng đội đã hy sinh hiện lên như vừa mới hôm qua. Đó là thầy Trần Văn Chắc, sinh năm 1939, quê Quảng Nam, đang trên đường hành quân từ  Đắk Lắk xuống Phú Yên vận chuyển giấy bút về cho trường thì bị địch phục kích bắn chết năm 1972; cô giáo Nguyễn Thị Nhâm, sinh năm 1955, quê Quảng Nam, bị trúng đạn khi cố gắng bám trường để lấy mấy quyển sách trong lúc địch càn quét; thầy Cao Thành bị sốt rét và ra đi mãi mãi khi đang vượt đường Trường Sơn từ Hà Nội vào Đắk Lắk dạy học. Đau đớn nhất là sự hy sinh của thầy Nguyễn Khánh: khi địch phát hiện, chúng đã cắt đầu thầy rồi bêu ở nhiều nơi để uy hiếp tinh thần của người dân!

Và còn đó, câu chuyện cảm động về gia đình nhà giáo liệt sỹ Cao Thành được ghi lại trong cuốn sách “Giáo dục Đắk Đắk thời thắng Mỹ”: Thầy Thành hy sinh trên đường Trường Sơn vào Đắk Lắk dạy học mà chưa biết mặt con. Sau này, khi đồng đội cũ nhặt 1 viên đá cuội tại nơi cất giấu mộ thầy bên dòng sông phía tây tỉnh Phú Yên để trao cho thân nhân của thầy thì mới biết người con trai duy nhất của thầy Thành cũng hy sinh năm 18 tuổi! Người vợ của thầy cũng hy sinh trong kháng chiến và vừa được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Sự hy sinh anh dũng của các thầy cô giáo liệt sỹ ghi lại trong sách và cũng ghi dấu sâu đậm trong lòng thế hệ hôm nay…

Xuân Hòa 


Ý kiến bạn đọc