Thăm ngục Đắk Glei
Từ phố núi Đắk Pét, thị trấn Đắk Glei (Kon Tum), du khách theo cung đường Hồ Chí Minh về phía đông bắc đèo Lò Xo, từ bảng chỉ dẫn rẽ phải đi tiếp theo con đường bê tông dẫn vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh khoảng chừng hơn 10 km sẽ đến ngục Đắk Glei nằm khép mình giữa núi rừng trùng điệp dưới chân núi Pơn Đăk Rắc (xã Đăk Choong)…
Thực hiện âm mưu kiểm soát toàn bộ Tây Nguyên, năm 1927 thực dân Pháp thực hiện mở đường 14 từ Kon Tum lên Đắk Tô, Đắk Pét, Đắk Glei. Đến năm 1932, chúng xây dựng nhà tù Đắk Glei. Thời gian đầu, nơi đây thường giam phạm nhân người địa phương, là những người không chịu phục tùng và không chịu làm đường cho chúng và trong những tháng mùa khô, chúng giam giữ những tù nhân chính trị ở Kon Tum bị bắt lên làm đường 14.
Sau phong trào cách mạng những năm 1936 – 1939, thực dân Pháp biến nơi đây thành Căng An Trí để cầm cố những chiến sĩ cộng sản mang án chung thân. Trong số những người bị giam cầm ở đây có các đồng chí như: Lê Văn Hiến, Chu Huy Mân, Trần Văn Trà, Tố Hữu, Huỳnh Ngọc Huệ… Đầu năm 1942, đồng chí Tố Hữu và đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vượt ngục thành công. Sau sự kiện vượt ngục, thực dân Pháp bắt các đồng chí của ta ở Căng An Trí giam vào ngục. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Nắm được thời cơ, kết hợp với sự ủng hộ của quần chúng cách mạng ở Đắk Glei, các chìến sĩ cộng sản đã vùng dậy phá nhà ngục trở về với cách mạng.
Du khách tham quan khu nhà giam tù nhân tại ngục Đắk Glei. |
Ngục Đắk Glei ngày nay vẫn còn gần như nguyên vẹn trên ngọn đồi cao Chang Túc thuộc núi Pơn Đắk Rắc, phía bắc giáp suối Đắk Gla, phía Nam giáp làng Đắk Glei (xã Đắk Choong) và phía đông giáp thung lũng Đắk Rắc. Trên đỉnh đồi Chang Túc là một ngôi nhà được xây dựng rất kiên cố gồm bốn phòng. Nơi đây, từng là chỗ ở và làm việc của Đồn trưởng Bê-li-ô và các binh lính Pháp.
Đối diện là khu nhà bếp, nhà ở, bốt gác hầu như vẫn còn nguyên vẹn với những lớp đá màu xanh nhuộm màu thời gian. Từ đây, du khách đi dọc theo con đường lát đá ven sườn đồi về phía bắc chừng 70 m phía tay trái sẽ đến khu gồm ba nhà mà trước đây Pháp gọi là Căng An Trí. Ba khu nhà giam được phục dựng lại, mái lợp tranh, vách nứa, nền đất, trong đó có hai khu nhà giam có sàn tre dành tù nhân ngủ, ăn ở, sinh hoạt. Khu nhà giam còn lại là nơi giam và xiềng xích các tù nhân. Xung quanh khu Căng An Trí được rào kín bằng dây kẽm gai, chỉ chừa một lối nhỏ ra vào nằm bên dưới sườn núi.
Tiếp tục men đi theo con đường lát đá xuống suối Đắk Gla, cách khu vực Căng An Trí chừng 50 m là khu biệt giam. Khu biệt giam này còn gọi là “ngục” sau chuyến vượt ngục của Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ. Tên gọi “ngục Đắk Glei” cũng có từ đó. Ngục cao khoảng 3,2 m, rộng 2,5 m, dài 4,2 m, có một lỗ thông hơi vuông mỗi chiều chỉ 20 cm, một cửa cao 1,8 m và rộng 80 cm. Khu biệt giam hầu như vẫn còn vẹn nguyên với những lớp đá màu xanh, nền đất ẩm ướt.
Khu trưng bày ngoài trời mô tả cảnh lao động cực nhọc của tù nhân. |
Khu trưng bày ngoài trời hiện đã phục dựng mô tả cảnh lao động cực nhọc làm đường 14 của các tù nhân thường và tù chính trị dưới sự canh gác, đàn áp của binh lính Pháp.
Ngục Đắk Glei không chỉ là nơi ghi dấu những năm tháng đau thương, nước mắt mà còn rất oanh liệt, hào hùng đã từng được nhiều người biết đến qua những câu thơ trong bài “Tiếng hát đi đày” của Tố Hữu. Từ ngục Đắk Glei phóng tầm mắt nhìn thẳng xuống là thung lũng Đắk Choong với những cánh rừng xà nu bạt ngàn, nơi đó có lẽ chính là cảm hứng để nhà văn Nguyễn Trung Thành sáng tác tác phẩm nổi tiếng “Rừng xà nu”.
Nếu như ngày xưa ngục Đắk Glei nằm chơ vơ giữa đại ngàn Trường Sơn, là nơi “rừng thiêng nước độc”, là “địa ngục” đối với các tù nhân thì ngày nay nơi này trở thành địa chỉ đỏ của những chuyến về nguồn và là điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến tham quan. Nhiều năm qua, các cấp ngành, chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư, tôn tạo, xây dựng hệ thống điện và con đường dẫn vào Di tích lịch sử ngục Đắk Glei.
Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc