Lễ hội mùa xuân ở Quảng Bình
11:19, 01/02/2020
Về Quảng Bình vào dịp giêng, hai, du khách sẽ được dự nhiều lễ hội mùa xuân đặc sắc, mang đậm nét truyền thống.
Khi xuân về, tết đến, trời đất giao hòa, nhà nhà được sum vầy đoàn viên cũng là thời điểm diễn ra lễ hội Xuân Thủ Kỳ Yên tại các đình làng. Ngoài mục đích cúng Thành hoàng, các vị thần, các bậc tiền hiền có công khai canh, lập làng, lễ hội này còn mang ý nghĩa tâm linh cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt bội thu. Làng Lý Hòa, xã Hải Trạch (huyện Bố Trạch) tổ chức lễ hội Xuân Thủ vào mồng 1, mồng 2 Tết; làng Sa Động, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) tổ chức vào đợt rằm tháng Giêng âm lịch, nhằm ngày 15 và 16 tháng Giêng hằng năm...
Ngày xưa, lễ hội Xuân Thủ Kỳ Yên có đầy đủ các nghi thức, gồm: lễ nghinh xuân, lễ tế xôi hôm, lễ bốc thăm, lễ xướng sổ hương ẩm, lễ tế xôi mai, lễ đổ phù hương. Hiện nay, các nghi lễ đã được tinh giản, chỉ tiến hành những nghi thức cổ truyền mang tính bắt buộc song tinh thần, hồn cốt của lễ hội vẫn không hề thay đổi. Bên cạnh phần lễ thì phần hội với các trò chơi dân gian như: kéo co, chơi cờ người, cờ tướng, chạy tiếp sức… tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho cả người chơi và người xem, góp phần nâng cao tinh thần cộng đồng, gắn kết tình làng, nghĩa xóm.
Những làng quê gốc gác làm nông nghiệp có những hội làng tiêu biểu như: Lễ hội làng Quảng Xá, xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) vào ngày 15-2 âm lịch; Lễ hội cướp cù Đồng Phú, phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) vào ngày 16-1 âm lịch; Lễ hội làng Lũ Phong, phường Quảng Phong (thị xã Ba Đồn) tổ chức rước sắc phong, hội đua thuyền, chơi chọi gà… vào ngày 16-1 âm lịch; Lễ hội làng Lộc Điền, xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch) vào ngày 16-2 âm lịch; Lễ hội làng Thổ Ngọa, phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) vào ngày 15 và 16-1 âm lịch hằng năm…
Rộn ràng lễ hội cầu ngư làng Cảnh Dương. |
Trò chơi dân gian mà người dân tổ chức chơi trong lễ hội vào dịp đầu năm mới đa số đều mang ý nghĩa tâm linh thuần túy, đua thuyền là nghi lễ tạ ơn thủy thần trong năm qua đã giúp nông dân điều tiết nguồn nước và giữ nước cho đồng ruộng; cướp cù là để tạ ơn thần mặt trời đã ban ánh sáng cho nông nghiệp, quả cù được tung vào rọ là hình ảnh báo hiệu năm mới nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Đó là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước luôn: “Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”.
Cư dân miền biển Quảng Bình có Lễ hội cầu ngư đa số diễn ra vào tiết xuân. Mùa xuân cũng là thời điểm người miền biển chuẩn bị vào mùa cá Nam, vụ đánh bắt chính. Lễ hội cầu ngư nhằm cầu trời yên biển lặng, được mùa cá tôm, cho những chuyến đi biển bình yên, cho cuộc sống người dân no đủ, quốc thái dân an… Tiêu biểu có Lễ hội cầu ngư làng Cảnh Dương vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch; làng Phú Bình, xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) vào ngày 14 và 15-1 âm lịch…
Ngoài ra, còn có Lễ hội cầu ngư Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Nhân Trạch, Hải Trạch, Thanh Trạch, Đức Trạch (huyện Bố Trạch); xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh)… đã tạo nên một lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc của ngư dân các làng chài ven biển. Năm 2018, lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong lễ hội cầu ngư, ngoài phần lễ diễn ra trang nghiêm, tôn kính thì phần hội luôn có những trò chơi dân gian thể hiện nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân vùng biển như: đua thuyền, múa bông, chèo cạn, kéo co dưới nước, thi đan lưới... Tất cả nhằm đề cao tinh thần thượng võ, sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau, rèn luyện kỹ năng để phục vụ cho những ngày vươn khơi bám biển sắp đến.
Phổ biến nhất trong lễ hội mùa xuân là các loại hình thi thố tài năng, trí tuệ, những màn ca múa nghệ thuật, thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng: Lễ hội bài chòi ở phường Nam Lý, Phú Hải, Đồng Sơn, Hải Thành, xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới); ở thôn Thượng, xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh); lễ hội Thượng Nguyên ở làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) tổ chức biểu diễn võ thuật dân tộc; hội vật làng Tượng Sơn, phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn). Ngoài ra còn có hò khoan Lệ Thủy, hò biển Nhân Trạch, hát ru Cảnh Dương, ca trù Đông Dương, hát kiều Pháp Kệ… là những điệu hát ngân lên giữa mùa xuân thắm tươi hy vọng, trên mọi miền quê Quảng Bình.
Lễ hội mùa xuân ở Quảng Bình là một “bảo tàng sống” được sáng tạo, trao truyền và giữ được sức hấp dẫn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếp văn hóa dân gian này là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại để thế hệ hôm nay hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc