Multimedia Đọc Báo in

Bàn thêm về chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tỉnh Đắk Lắk

09:20, 06/08/2020
Đọc Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sau đây gọi là Dự thảo), tôi nhận thấy rằng nội dung Dự thảo được chuẩn bị công phu, đánh giá toàn diện những thành tựu và hạn chế của tỉnh, rút kinh nghiệm những việc làm được và chưa làm được trong nhiệm kỳ Đại hội XVI, từ đó vạch ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình, trong đó, việc cụ thể hóa thành những bước đi, dự lường trước những thuận lợi và khó khăn, đặc biệt là nhận diện cho được những khó khăn mang tính “đặc thù” của tỉnh để đề ra những chính sách phù hợp với thực tiễn là một công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi bản lĩnh chính trị của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ và đặc biệt là người đứng đầu.
 
Tôi xin góp ý về một nội dung cốt lõi của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, đó là về cơ cấu kinh tế.
 
Đánh giá kết quả đạt được của nhiệm kỳ Đại hội XVI, Dự thảo chỉ ra rằng: cơ cấu nông, lâm, thủy sản tăng 5,64%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,1%; thương mại - dịch vụ tăng 11,96%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ ở hai khu vực nông - lâm - thủy sản (giảm từ 45,4% xuống còn 36%) và dịch vụ (tăng từ 35,3% lên 45,2%); ngành công nghiệp - xây dựng tăng đều qua các năm, từ 15,6% lên 16,5%... Ngành dịch vụ ngày càng giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung.
 
Trên cơ sở nhận định đó, Dự thảo đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ đến là: Tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó cơ cấu ngành kinh tế vẫn theo hướng “nông nghiệp – công nghiệp – du lịch, dịch vụ”. Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù tỷ trọng các ngành kinh tế đã có những thay đổi và dịch chuyển nhưng cơ cấu các ngành vẫn được định hình như trong nhiều nhiệm kỳ qua, chưa có sự điều chỉnh.
 
Ở điểm này, tôi cho rằng cần đánh giá lại một cách khách quan tỷ trọng và đóng góp của từng ngành trong cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh, từ đó mạnh dạn đổi mới tư duy và điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh cho phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong tình hình mới, trong tương quan với các tỉnh khác ở khu vực Tây Nguyên và cả nước trên tinh thần của nhiệm kỳ 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 khi Đắk Lắk trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên.
 
Ở đây đặt ra hai vấn đề: Một là, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trên cơ sở kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 thì cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh theo hướng “nông nghiệp – công nghiệp – du lịch, dịch vụ” là phù hợp; song cần phải thấy rằng, hiện trạng nền nông nghiệp của tỉnh rất manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể, tính liên kết yếu, phát triển chưa bền vững, chưa giải quyết tốt yếu tố đầu ra, thiên tai, dịch bệnh thất thường… nên thu nhập từ nông nghiệp rất bấp bênh, chiếm tỷ trọng chưa cao (mặc dù cơ cấu tăng 5,64% nhưng chuyển dịch cơ cấu lại giảm từ 45,4% xuống còn 36%). 
 
Sản xuất dưa lưới công nghệ cao ở Công ty Tinh Hoa Farm tại km 9, phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: H. Gia
Sản xuất dưa lưới công nghệ cao ở Công ty Tinh Hoa Farm tại km 9, phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: H. Gia
So với các tỉnh khác ở khu vực Tây Nguyên thì giá trị mang lại từ nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk là chưa cao. Thế nên, muốn phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, mang lại giá trị lớn thì phải củng cố lại rất nhiều nội dung, đặc biệt là nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này.
 
Trong điều kiện hạn hẹp của tỉnh và việc kêu gọi đầu tư cho nông nghiệp gặp khó khăn thì việc phát triển để nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu ngành kinh tế là rất nan giải. Liệu rằng, việc tập trung cho nông nghiệp quá lớn theo cơ cấu này có làm kéo giảm toàn bộ nền kinh tế của tỉnh không, bởi chúng ta tập trung đầu tư cho nông nghiệp thì nguồn lực cho các lĩnh vực khác bị hạn chế, trong khi nền nông nghiệp của tỉnh chưa mang lại giá trị lớn, lại còn bấp bênh, phụ thuộc vào yếu tố “may – rủi”?
 
Hai là, chúng tôi cho rằng, nhiệm kỳ này đặt trong định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì phải làm sao để ngành du lịch – dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 lĩnh vực, đóng góp lớn nhất vào tổng thu nhập của tỉnh (khi Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên). Bởi trong 5 năm qua, tăng trưởng của ngành du lịch - dịch vụ là khá (11,96%), cơ cấu ngành dịch vụ chuyển dịch theo hướng tăng (từ 35,3% lên 45,2%).
 
Mặc dù những con số này chưa thực sự ấn tượng, nhưng nếu biết tận dụng tiềm năng, lợi thế của tỉnh thì đây sẽ là ngành có đóng góp lớn nhất trong thời gian tới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân và làm tăng ngân sách của tỉnh. Những vấn đề của ngành du lịch – dịch vụ của tỉnh hiện nay cần tháo gỡ là: Quy hoạch loại hình du lịch gắn với đặc thù từng địa phương trong tỉnh; kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh, liên kết giữa tỉnh và doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp, vai trò điều phối của tỉnh, liên kết giữa tỉnh với các tỉnh, thành phố khác ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên; nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành du lịch – dịch vụ của tỉnh…
 
Đó hiện vẫn là những hạn chế trong phát triển ngành du lịch – dịch vụ của tỉnh nhưng bù lại, Đắk Lắk có những lợi thế sẵn có: những địa danh nổi tiếng; sản vật phong phú, mang tính đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; con người hiền hòa, mến khách, thiên nhiên ưu đãi từ khí hậu cho đến địa hình, cảnh vật; từ TP. Buôn Ma Thuột đi đến các nơi khác trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực vô cùng thuận lợi….
 
Từ đó có thể khẳng định rằng, nếu tỉnh có quyết tâm chính trị cao trong định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng đưa du lịch – dịch vụ thành ngành mũi nhọn, tập trung đầu tư phát triển ngành du lịch – dịch vụ thì sớm nhất là giữa nhiệm kỳ hoặc muộn nhất là đến cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025, cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh sẽ chuyển dịch theo hướng “du lịch, dịch vụ - nông, lâm nghiệp – công nghiệp”, giúp tỉnh vững vàng bứt phá trong các giai đoạn tiếp theo, xứng đáng trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên.
 
TS. Ngô Khắc Sơn
Học viện Chính trị khu vực III

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.