Cần đánh giá toàn diện hơn về công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới
10:18, 07/08/2020
Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Cần đánh giá toàn diện hơn về công tác bảo đảm
quốc phòng, an ninh biên giới
Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tại phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tôi đề nghị tách phần bài học kinh nghiệm thành mục riêng, không nằm trong nội dung đánh giá về hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân. Vì các bài học kinh nghiệm có thể được đúc kết từ những thành công và kết quả đạt được của cả nhiệm kỳ chứ không phải chỉ rút ra từ những hạn chế, khuyết điểm. Đối với phần mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đề nghị đưa nội dung 3 trụ cột trong định hướng phát triển và 4 đột phá về các nhiệm vụ trọng tâm lên trước nội dung về nhiệm vụ, giải pháp chung.
Đi vào cụ thể, tôi cho rằng Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu toàn diện các vấn đề. Tuy nhiên, rải rác theo các lĩnh vực, đề nghị cần bám sát và làm nổi bật theo những chủ trương, chính sách lớn của Đảng về 3 đột phá chiến lược; những quyết sách lớn của Quốc hội, Chính phủ như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020; về tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Bổ sung đánh giá rõ hơn thực trạng xây dựng văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nguyên tại đô thị gắn với phát triển du lịch, trong đó có duy trì, bảo tồn và phát triển các thiết chế văn hóa.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Hoàng Gia |
Bên cạnh đó, Dự thảo Báo cáo cũng cần nêu rõ, đậm nét một số vấn đề tồn tại từ các nhiệm kỳ trước và mức độ chuyển biến trong nhiệm kỳ này như: vấn đề giải quyết nước cho sản xuất và sinh hoạt; đất ở, đất sản xuất cho người dân và đồng bào dân tộc thiểu số; dân di cư tự do; những thuận lợi, khó khăn trong việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông - lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng; sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, nông - lâm trường trên địa bàn, quản lý đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp và việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa người dân với các công ty nông - lâm nghiệp.
Trong phần giải pháp của Dự thảo Báo cáo có nêu vấn đề cải thiện chỉ số PCI và PAPI. Trong khi đó được biết, chỉ số PCI năm 2019 của Đắk Lắk xếp thứ 38/63 (tăng 2 bậc), nhưng chỉ số PAPI lại xếp 62/63. Vì vậy, tỉnh nên đánh giá sâu vấn đề này để đưa ra giải pháp sát thực tế và hướng phấn đấu trong nhiệm kỳ tới. Phần giải pháp về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cần đánh giá toàn diện hơn về công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới với đặc điểm địa lý phía Tây giáp với Campuchia; bổ sung đánh giá về hoạt động phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đánh giá về công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, gắn với công tác xây dựng tổ chức đảng và chính quyền tại địa phương.
Riêng nhận định về một số nguyên nhân của những hạn chế trong nhiệm kỳ qua nêu trong Dự thảo Báo cáo như: “văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai... còn bất cập, chồng chéo”, “cơ sở pháp lý để thực hiện việc sắp xếp, đổi mới bộ máy cơ quan hành chính chưa được hoàn thiện”, “quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức còn chung chung, chưa cụ thể”, “hệ thống cơ chế chính sách và giải pháp chưa đủ mạnh để trở thành động lực thu hút và sử dụng tốt nhất các nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”..., theo tôi, cần đánh giá chi tiết hơn để từ đó có những đề xuất, kiến nghị cụ thể đến cấp có thẩm quyền khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Đối với Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, do vị trí cực kỳ trọng yếu về quốc phòng, an ninh nên tôi đề nghị bổ sung vào Dự thảo Báo cáo chính trị nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Nghiên cứu, làm sâu sắc hơn các giải pháp liên quan đến chính sách dân tộc, công tác dân tộc và chính sách tôn giáo, công tác tôn giáo. Bởi đây là khu vực với đặc thù có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Trong khi đó, các thế lực thù địch bằng các thủ đoạn thâm độc, tinh vi lợi dụng triệt để, chống phá toàn diện để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm kích động, chia rẽ, can thiệp vào công việc nội bộ của Đảng và Nhà nước ta, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Lê Thành (ghi)
Ý kiến bạn đọc