Thi đua yêu nước tạo động lực để Đắk Lắk phát triển toàn diện
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã ra sức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.
Nhiều phong trào thi đua theo từng năm, từng đợt và theo chuyên đề đã được các cấp, các ngành của tỉnh phát động, tổ chức phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, luôn diễn ra một cách sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi tham gia.
Tiêu biểu như các phong trào thi đua: “Sản xuất kinh doanh giỏi”; "Dạy tốt - Học tốt" gắn với cuộc vận động thực hiện tốt nhiệm vụ "xã hội hóa giáo dục, xã hội học tập"; "Thi đua thực hiện 12 điều y đức", "10 điều dược đức”; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; "Thi đua gìn giữ, tôn tạo và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc Đắk Lắk”; "Thi đua quyết thắng”; "Vì an ninh Tổ quốc"; "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"; "Tập trung trí tuệ, nâng cao hiệu quả các mặt công tác, quyết tâm xây dựng lực lượng Công an Đắk Lắk chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại"; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”…
Qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu, gương người tốt việc tốt, nghĩa cử cao đẹp, mô hình hay, cách làm hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Tinh luyện thép ở Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á, Khu Công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia |
Động lực và sức lan tỏa từ các phong trào thi đua yêu nước thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2015 - 2020): Tăng trưởng kinh tế (GRDP – theo giá so sánh năm 2010) bình quân đạt 8,75%/năm, quy mô nền kinh tế tăng khá cao, năm 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh ở hai khu vực nông, lâm, thủy sản (giảm từ 45,42% xuống còn 36%) và dịch vụ (tăng từ 35,3% lên 45,2%); khu vực công nghiệp - xây dựng tăng đều qua các năm, từ 15,6% lên 16,5%. Khu vực dịch vụ ngày càng giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 54,55 triệu đồng, gấp 1,67 lần năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm, xuống còn 4,99% năm 2020. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện quyết liệt, dự kiến đến hết năm 2020, tỉnh có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu đề ra.
Qua các phong trào thi đua, tỉnh Đắk Lắk đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt trong năm 2015 tỉnh đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Những thành tựu nêu trên đã tạo ra tiền đề quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới.
Với chủ đề “Thi đua sáng tạo, hiến kế xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh và bản sắc”, Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Đắk Lắk lần thứ XI trọng thể khai mạc vào ngày 25-9-2020 có nhiệm vụ và ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh giai đoạn 2015 – 2020; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025; biểu dương kết quả của các phong trào thi đua yêu nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh trong 5 năm qua; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân và các gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn tỉnh; qua đó tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị thăm, tặng quà cán bộ, giáo viên điểm Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (buôn Dliêya A, xã Dliêya, huyện Krông Năng). Ảnh: Thế Hùng |
Đại hội lần này cũng phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Luật Thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020 - 2025.
Để phong trào thi đua thời gian tới được thực hiện sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, trong những năm tới, công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua của tỉnh cần tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 9-10-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của tỉnh.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng: Tập trung về cơ sở, bám nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm và những nhiệm vụ cấp bách để phát động và tổ chức các phong trào thi đua cụ thể, thiết thực, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, đảm bảo thực hiện đồng bộ cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến để có nhiều điển hình tiên tiến mới ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Ba là, thực hiện đổi mới công tác khen thưởng và đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng. Chú trọng quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp ở cơ sở, các cơ quan, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khen thưởng phải đảm bảo nguyên tắc: Chính xác, dân chủ, công khai, công bằng và kịp thời nhằm phát huy tác dụng, tính tích cực, nêu gương giáo dục, tôn vinh trong khen thưởng; lắng nghe ý kiến của nhân dân, dư luận xã hội, tránh khen tràn lan, thành tích chưa nổi bật cũng đề nghị khen thưởng, khen không đúng thành tích và đối tượng làm mất tác dụng của khen thưởng.
Bốn là, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để phát động, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua, nhằm phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.
Tin tưởng rằng, từ thành quả đã đạt được, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, cùng sự nỗ lực, phấn đấu, ra sức thi đua của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh với tinh thần “Người người thi đua, ngành ngành thi đua” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thời gian tới phong trào thi đua yêu nước sẽ có nhiều thành công mới, tạo ra động lực quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, đưa Đắk Lắk phát triển bền vững, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.
Phạm Ngọc Nghị
Chủ tịch UBND tỉnh
Ý kiến bạn đọc