Multimedia Đọc Báo in

Ra mắt Liên minh sản xuất cà phê Dak Man – Hoà Đông và Ea Tu

15:56, 07/04/2010

Sáng 7 – 4, tại buôn Ea Kmat (xã Hoà Đông, Krông Pak), Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp (DACTNN) Dak Lak đã tổ chức lễ ra mắt Liên minh sản xuất cà phê Dak Man – Hoà Đông và Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). 

Đại diện các bên trong Liên minh ký kết thoả thuận hợp tác
Đại diện các bên trong Liên minh ký kết thoả thuận hợp tác

Đây là liên minh thứ hai được thành lập trong khuôn khổ DACTNN do Ngân hàng Thế giới tài trợ trên địa bàn Dak Lak. Liên minh này được hình thành giữa 10 nhóm hộ nông dân (gồm 297 thành viên, đồng bào dân tộc Ê đê chiếm 80%, có tổng diện tích cà phê khoảng 342 ha) sản xuất cà phê tại 2 xã Hoà Đông, Ea Tu với Công ty Liên doanh Dak Man. Liên minh sản xuất cà phê Dak Man – Hoà Đông và Ea Tu được thành lập và tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình hợp tác, liên minh và liên kết giữa 4 nhà: doanh nghiệp, nhà nông, nhà nước và nhà khoa học nhằm tạo nên chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm có chất lượng cao, ổn định và bền vững. Tham gia vào Liên minh, các hộ sản xuất cà phê sẽ được tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê tiến tiến, bảo đảm sản phẩm làm ra có hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt, thân thiện với môi trường. Trước mắt, liên minh này sẽ sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn Rainforest.

 

Ban quản lý liên minh ra mắt
Ban Quản lý Liên minh ra mắt
Theo kế hoạch kinh doanh đã được UBND tỉnh phê duyệt, tổng vốn đầu tư cho Liên minh trong thời gian 2 năm (từ nay đến năm 2012) hơn 8,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn đóng góp của doanh nghiệp hơn 148 triệu đồng, nông dân hơn 4,9 tỷ đồng, số còn lại do DACTNN tài trợ.
Liên minh sản xuất cà phê Dak Man – Hoà Đông và Ea Tu hoạt động dưới sự điều phối của Ban Quản lý Liên minh, gồm đại diện Ban Quản lý DACTNN Dak Lak, Công ty Liên doanh Dak Man và 10 nhóm hộ nông dân tham gia liên minh.

                                                                                                                 Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.