15:53, 02/06/2010
Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công Thương thống nhất giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.07 từ 10% xuống 0% để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp.
|
Việc giảm thuế xuất nhập khẩu sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gỗ tháo gỡ khó khăn. |
Bộ Công Thương vừa có công văn về việc xuất khẩu mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.07 sau khi nhận được một số công văn của Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh phản ánh một số thương nhân Việt Nam và Trung Quốc thu gom gỗ nguyên liệu dưới dạng ván sàn, gỗ ghép thanh và ván ốp tường khiến giá nguyên liệu tăng đột biến và gây khó khăn cho việc sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với Bộ Công Thương nhiều lần họp và thống nhất giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.07 từ 10% xuống 0% để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp. Đồng thời Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có công văn gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu đối với mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.03 và 44.07. Để có cơ sở giải quyết đề nghị nêu trên, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh và Hiệp hội Chế biến lâm sản Đồng Nai có báo cáo cụ thể theo nội dung: Tình hình xuất khẩu gỗ cao su và keo từ rừng trong nước (không kể gỗ nhập khẩu) dưới dạng ván sàn, gỗ ghép thanh và ván ốp tường thuộc nhóm 44.07 trong 5 tháng đầu năm. Yêu cầu nêu số lượng cụ thể số lượng, biến động giá cả trong thời gian qua. Cùng đó, các Hiệp hội này phải nêu danh sách doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và danh sách các doanh nghiệp Trung Quốc thu mua các loại gỗ nêu trên. Ngoài ra, để hạn chế xuất khẩu gỗ sơ chế dưới dạng ván sàn, gỗ ghép thanh và ván ốp tường, Bộ đề nghị các Hiệp hội có kiến nghị cụ thể về mức thuế suất của từng mã HS thuộc nhóm 44.07 và chịu trách nhiệm nếu việc nâng thuế các mặt hàng này ảnh hưởng đến ngành sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ. Mặt khác, đề xuất các biện pháp khác phù hợp với qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh và Hiệp hội Chế biến lâm sản Đồng Nai gửi báo cáo về Bộ trước ngày 4- 6 để Bộ có cơ sở làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo
VOV
Ý kiến bạn đọc