Việt Nam đóng góp nhiều ý kiến quan trọng tại Hội nghị G20
08:46, 29/06/2010
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ tư đã bế mạc tại Toronto (Canada) và đã thông qua bản Tuyên bố chung, nhấn mạnh sẽ hành động để thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Việt Nam, với tư cách đại diện các nước ASEAN đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng cho thành công của Hội nghị.
Tuyên bố chung của Hội nghị cho biết đến nay, nỗ lực hợp tác của các nước G20 đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Các chính sách kích thích tài chính và tiền tệ trước nay chưa từng có cùng với sự phối hợp toàn cầu đã phục hồi nhu cầu cá nhân và đóng vai trò quan trọng trong việc cho vay. Hội nghị G20 lần này cũng nhận định kinh tế thế giới hiện đang phục hồi tăng trưởng nhưng những thách thức nghiêm trọng vẫn còn tồn tại. Quá trình phục hồi không cân bằng và yếu. Do đó nhiệm vụ chính của G20 là đảm bảo và tăng cường phục hồi kinh tế. Hội nghị chú ý đến vấn đề nợ của các nước phát triển, yêu cầu các nước phát triển trong lúc phục hồi kinh tế cần giảm một nửa thâm hụt ngân sách vào năm 2013 và ổn định tỷ lệ nợ công trên GDP trước năm 2016. Hội nghị thượng đỉnh cũng đồng ý rằng các nước cần dựa trên tình hình thực tế để quyết định thực hiện các chính sách tài chính nhằm thúc đẩy phát triển.
Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Toronto đã thông qua Tuyên bố chung nhấn mạnh sẽ hành động để thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. |
Việt Nam, với tư cách đại diện các nước ASEAN, chia sẻ và ủng hộ các nỗ lực của G20 đối phó với những thách thức trước mắt (thâm hụt ngân sách, nợ công, lạm phát...) nhằm đảm bảo kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và tránh nguy cơ bất ổn tài chính tại một số nước lan rộng thành khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc cùng các trưởng đoàn tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20) với chủ đề “Kinh tế thế giới: Triển vọng và thách thức.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao G-20. |
Phát biểu tại phiên làm việc về chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại, đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là nước phải chịu nhiều biện pháp bảo hộ trá hình của một số nước phát triển, Việt Nam kêu gọi G20 tiếp tục có các biện pháp cụ thể xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam và ASEAN quan ngại trước tiến triển chậm chạp của Vòng đàm phán Doha và kêu gọi G20 đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy hoàn tất Vòng đàm phán Doha trong thời gian sớm nhất. ASEAN hoan nghênh G20 đã thể hiện thái độ mạnh mẽ phản đối mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đầu tư, đặc biệt thỏa thuận kéo dài thêm ba năm cam kết không gia tăng hay áp đặt các rào cản mới đối với đầu tư và thương mại hàng hóa và dịch vụ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nhiệm vụ đối phó với suy thoái kinh tế không phải là cơ sở cho phép các nước quay lại sử dụng các biện pháp bảo hộ thiển cận và ích kỷ. ASEAN ủng hộ mạnh mẽ việc G20 đưa vào chương trình nghị sự các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bao gồm thúc đẩy quan hệ giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giảm chi phí giao dịch và xây dựng năng lực cho các nền kinh tế đang phát triển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất ASEAN cùng với các khối, các tổ chức thương mại tự do và hợp tác kinh tế khác như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh châu Phi (AU)... cùng G20 soạn thảo và ra một Tuyên bố chung quyết tâm thúc đẩy vòng đàm phán Doha kết thúc trong 12 tháng tới; khẳng định liên kết và tự do hóa thương mại khu vực và song phương chỉ bổ trợ chứ không làm ảnh hưởng đến quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu trong khuôn khổ WTO.
Thảo luận về phiên cải cách các thể chế tài chính quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam cũng như ASEAN hoan nghênh và đánh giá cao những sáng kiến và nỗ lực cải cách các thể chế tài chính quốc tế trong thời gian qua nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các tổ chức này, đồng thời phản ánh được tiếng nói, vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Để tăng cường hơn nữa vai trò của các thể chế tài chính quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các thể chế tài chính khu vực tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Các thể chế tài chính quốc tế, đặc biệt là WB, cần ưu tiên các sáng kiến hỗ trợ đối phó với biến đổi khí hậu, tăng cường vai trò điều phối các nguồn tài chính để thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa hàng 2) chụp ảnh chung với các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị |
Theo Tuyên bố chung của hội nghị năm nay, ngày 11-11-2010 và 12-11-2010, các nhà lãnh đạo của G20 sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 lần 5 tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), Hội nghị thượng đỉnh G20 lần 6 sẽ được tổ chức tại Pháp vào năm 2011 và Hội nghị thượng đỉnh G20 lần 7 sẽ được tổ chức tại Mexico vào năm 2012.
G.N
(Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc