Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi

10:28, 02/06/2010
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cần đánh giá thực trạng vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay về trình độ phát triển, gắn với việc đánh giá tác động của các cơ chế, chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010.
Nhiệm vụ trên được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ủy ban Dân tộc ưu tiên thực hiện, để xây dựng Bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc phối hợp với các địa phương (có vùng dân tộc) và các Bộ liên quan xây dựng Bộ tiêu chí phân định thôn (bản, làng, phum, sóc) đặc biệt khó khăn và xã (phường, thị trấn) thuộc khu vực (I, II, III) áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Phó Thủ tướng lưu ý, sau khi hoàn chỉnh Bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc báo cáo để Thủ tướng Chính phủ thông qua và xem xét tiếp tục ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thiểu số ký ban hành.
Ảnh minh họa. (Ảnh G.N)
Ảnh minh họa. (Ảnh: G.N)
Vùng dân tộc và miền núi nước ta chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên, bao gồm 21 tỉnh miền núi vùng cao, 23 tỉnh có miền núi và 10 tỉnh đồng bằng có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Các dân tộc cư trú phân tán và đan xen nhau trên mọi vùng, miền với quy mô dân số và trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau. Theo số liệu điều tra dân số năm 2009, nước ta có 54 thành phần dân tộc, trong đó dân số của 53 dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14% của cả nước. Trong các dân tộc thiểu số, quy mô dân số có sự chênh lệch đáng kể, một số dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, B Râu, Ơ Đâu. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, được hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử dân tộc. Bản sắc văn hóa từng dân tộc tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Sự thống nhất trong đa dạng là đặc điểm của nền văn hóa cộng đồng các dân tộc. Cho đến nay đã có gần 40 chương trình cấp quốc gia, trong đó có tới 30-35 chương trình đầu tư trực tiếp cho miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Việc thực hiện chính sách xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện, diện mạo nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới có nhiều thay đổi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3% - 4%/năm; kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thủy lợi, điện. Trường học, trạm xá được xây dựng khá, đất sản xuất, đát ở, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng được quan tâm giải quyết; số nhà tạm bợ, dột nát giảm nhanh.
Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc