Multimedia Đọc Báo in

53 người chết và mất tích, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do mưa lũ

09:39, 19/10/2010
Người dân các tỉnh Bắc Trung bộ đã kiệt sức vì liên tiếp chống chọi với 2 trận lũ lịch sử.  Công tác ứng cứu, cứu trợ đồng bào miền Trung tiếp tục được nhiều bộ, ngành, các địa phương khẩn trương triển khai.
Mức lũ tại Hà Tĩnh đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1978, một số khu vực đầu nguồn sông các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố mưa lớn nhất từ trước đến nay. Lũ trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ đã là 16,5 m, vượt báo động 3 tới 3 m. Điều nguy hiểm là trận lũ mới này chỉ cách trận lũ trước chưa tới một tuần. 178 xã của 12 huyện thị trong tỉnh bị ngập, trong đó có 105 xã với trên 93.000 hộ dân bị ngập sâu, chia cắt. Diện tích sản xuất nông nghiệp và thủy sản bị xóa sổ hoàn toàn. Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn TP Hà Tĩnh, huyện Can Lộc, Nghi Xuân… vẫn đang bị ngập sâu trong nước, giao thông tê liệt hoàn toàn. Các tuyến đường tỉnh lộ chính, đường giao thông nông thôn vẫn còn bị ngập sâu và chia cắt. Vào lúc 3 giờ sáng 18-10, chiếc xe khách mang biển số 48K-5868 chạy trên quốc lộ 1A qua địa bàn xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã bị lật, bị nước lũ cuốn trôi khiến 19 người mất tích.
Nước lũ dâng đến gần mặt cầu trên tuyến đường Bắc Nam qua huyện Hương Khê, Hà Tĩnh
Nước lũ dâng đến gần mặt cầu trên tuyến đường Bắc Nam qua huyện Hương Khê, Hà Tĩnh
Tại Nghệ An, mưa rất lớn khiến tất cả hồ đập trên địa bàn đều tràn, có nơi tràn tới đến 1-1,5 m. Hơn 20.000 dân của 21 xã thuộc 5 huyện bị ngập sâu. Vụ thu đông bị xóa sổ hoàn toàn.
Tại Quảng Bình vẫn còn hàng chục nghìn nhà dân của các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Minh Hóa ngập sâu trong nước lũ. Đặc biệt nghiêm trọng là hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, hơn 300.000 dân bị lũ vây , nước có dấu hiệu rút nhưng rút rất chậm. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các huyện tiếp tục di dời dân ra khỏi vùng lũ lụt, chuẩn bị các phương án phòng chống siêu bão có khả năng ảnh hưởng đến miền Trung, trong đó có Quảng Bình. Tại rốn lũ Quảng Ninh người dân đang rất thiếu lương thực, nước uống do hai trận lũ đã cuốn sạch mọi thứ.
Công tác cứu hộ được tiến hành khẩn trương và tích cực
Công tác cứu hộ được tiến hành khẩn trương và tích cực

Ngoài ra theo thông tin ban đầu, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 1 người bị chết, 2 người bị mất tích do lốc và bất cẩn khi đi qua sông. Về nhà cửa,152.203 ngôi nhà bị ngập, ước tính trận lũ tại miền Trung gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng.
Trong khi đó, các tỉnh miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định và kết hợp với rìa phía bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua trung Trung Bộ nối với cơn bão Megi (bão số 6) đang hoạt động trên vùng đất liền phía đông đảo Luzon (Philippines). Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 19-10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 118,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183km một giờ), giật trên cấp 16. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 15km. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Sóng biển cao từ 12-14 mét, biển động dữ dội. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12; biển động rất mạnh.
Sơ tán người dân xã Đức Hương và Đức Giang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh đến nơi trú ẩn an toàn.
Sơ tán người dân xã Đức Hương và Đức Giang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh đến nơi trú ẩn an toàn.
Trước tình hình lũ lụt ngày càng phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn nêu rõ trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An mưa đã giảm, song mực nước lũ đang còn ở mức cao, nhiều vùng còn bị ngập sâu, chia cắt. Ngoài khơi bão Megi với sức gió mạnh cấp 16, giật trên cấp 17 đã di chuyển vào biển Đông, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Để tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ: tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại, tổ chức mai táng chu đáo những người bị thiệt mạng; cứu trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nước sạch sinh hoạt, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói, rét; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, từng bước khôi phục hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, vệ sinh đồng ruộng, phục hồi sản xuất sau khi lũ rút.
 
Ngày 18-10, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã gửi điện thăm hỏi đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng bào các tỉnh bị lũ lụt, gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình có người thân bị mất do lũ lụt. Bức điện có đoạn: "Trong những ngày qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ở các địa phương bị lũ lụt đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong hoạn nạn, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, rất cảm động về sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, giúp đỡ đồng bào, hạn chế được một phần thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra". Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh bị lũ, lụt tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho việc bảo vệ tính mạng, tài sản của đồng bào, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ lụt; đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống có hiệu quả cơn bão Megi khi vào Việt Nam.
G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc