Multimedia Đọc Báo in

Hành tinh bị suy thoái nghiêm trọng về đa dạng sinh học

17:50, 15/10/2010
Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa công bố Báo cáo Sức sống Hành tinh của WWF năm 2010 (The Living Planet Report 2010).
Báo cáo cho thấy, hành tinh bị suy thoái đa dạng sinh học 30% so với năm 1970, nghiêm trọng nhất là tại các nước vùng nhiệt đới, có thu nhập thấp (tới 60%). Quần thể các loài nhiệt đới nước ngọt có tốc độ suy thoái mạnh mẽ nhất, ở mức gần 70%, trong cùng kỳ nêu trên.
Sự đa dạng của hệ sinh thái vùng nhiệt đới đang ngày càng ít đi. Ảnh: G.N
Sự đa dạng của hệ sinh thái vùng nhiệt đới đang ngày càng ít đi. Ảnh: G.N
Dấu ấn sinh thái - một trong những chỉ số được sử dụng trong bản báo cáo cho thấy, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên của con người tăng gấp đôi so với thời điểm năm 1966 và chúng ta hiện đang sử dụng tài nguyên gấp rưỡi so với khả năng đáp ứng của Trái đất. Nếu tiếp tục sống với mức sử dụng tài nguyên như hiện tại, thì đến năm 2030, phải cần đến 2 hành tinh như Trái đất để đáp ứng nhu cầu của nhân loại. Phân tích các nhân tố dẫn đến suy thoái đa dạng sinh học, các tác giả báo cáo cho rằng, carbon là thủ phạm chính. Trong 5 thập kỷ qua, lượng phát thải carbon toàn cầu đã tăng gấp 11 lần. Tổng giám đốc WWF Quốc tế Jim Leape nhận xét: “Sự suy thoái đa dạng sinh học ở các nước thu nhập thấp đang ở mức báo động, nhưng các nước phát triển thì lại tiêu thụ dư thừa và phát thải carbon quá mức”. 10 quốc gia đứng đầu về lượng phát thải carbon bình quân trên đầu người hiện nay là các nước thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Qatar, Đan Mạch, Bỉ, Mỹ, Estonia, Canada, Australia, Kuwait và Ireland. Đây cũng chính là những quốc gia dẫn đầu trong  danh sách 150 quốc gia phát triển kém bền vững nhất. Kết quả đánh giá này được WWF rút ra từ khảo sát dựa vào các điều kiện bảo đảm chất lượng cuộc sống của con người, gồm nguồn năng lượng, thực phẩm, cơ sở hạ tầng…
Báo cáo Sức sống Hành tinh của WWF  được thực hiện hai năm một lần với sự hợp tác của Hội Động vật học London (Anh Quốc) và Mạng lưới Dấu ấn Sinh thái Toàn cầu, đây được coi là một trong những khảo sát quan trọng hàng đầu về sức khoẻ môi trường của Trái đất.
G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc