06:09, 18/10/2010
Tại các tỉnh miền Trung, mưa lớn từ ngày 14-10 đến nay đã làm cho một dải đất miền Trung bị ngập lụt nghiêm trọng, trọng điểm mưa lũ là tỉnh Hà Tĩnh.
Trận lũ mà Hà Tĩnh đang phải đối mặt được đánh giá là trận lũ lịch sử chưa từng có trong vòng 100 năm qua. Tính đến ngày 17-10, lũ đã làm 7 người ở Hà Tĩnh chết và mất tích.
|
Nước lên nhanh khiến nhiều người dân ở Hà Tĩnh không kịp đi tránh lũ |
Mưa lũ làm các tuyến giao thông như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 8A, đường sắt Bắc - Nam bị ngập nhiều đoạn, gây ách tắc giao thông. Hàng trăm xe ôtô, tàu hỏa phải nằm chờ tại thị xã Hồng Lĩnh và các ga tàu. Các tuyến đường tỉnh lộ, giao thông nông thôn bị ngập sâu và chia cắt. Trên lưu vực sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố mưa với cường suất lớn, bên cạnh đó việc vận hành xã lũ hồ Kẻ Gỗ để đảm bảo an toàn cho công trình đã gây ra trận lũ lớn trên diện rộng. Hiện nay, 178 xã của tất cả 12 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều bị ngập nước, trong đó có nhiều huyện tất cả các xã đều bị ngập, có nơi ngập sâu từ 3m đến 5m như huyện Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh. Theo thống kê ban đầu đã có hơn 83.500 hộ bị ngập, trong đó huyện Hương Khê nặng nhất 18.000 hộ, Đức Thọ 20.000 hộ, Thạch Hà 17.000 hộ. Tại huyện Hương Sơn, đập Khe Mơ tại xã Sơn Hàm, có dung tích 0,75 triệu m3 nước bị vỡ đã làm hàng ngàn hộ dân ở huyện ngập chìm trong nước.
|
Đội cứu hộ đang nỗ lực chiến đấu với giặc lũ |
Thứ trưởng Đào Xuân Học, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Thiếu tướng Hồ Ngọc Tỵ, Phó Tư lệnh quân khu IV đã trực tiếp đến các vùng lũ ở Hà Tĩnh chỉ đạo các đơn vị huy động 40 chiếc xuống cao tốc và hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ trực tiếp ứng cứu, sơ tán dân ra khỏi vùng ngập sâu đến nơi an toàn; tiếp tế lương thực, thực phẩm cho đồng bào vùng bị cô lập. Đến 19 giờ ngày 17-10, Hà Tĩnh đã di dời được 17.000 hộ dân với 68.000 nhân khẩu của các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Lộc Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn đến nơi an toàn.
|
Một người phụ nữ dỡ mái ngói vẫy tay cầu cứu |
Trong khi đó, lũ trên các sông từ Nghệ An tới Quảng Bình lên nhanh với tốc độ chóng mặt. Thống kê sơ bộ đã có tới 21 người chết và mất tích, hàng chục người bị thương. Theo thông báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng tại các lưu vực sông từ Nghệ An đến Quảng Bình tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tỉnh Nghệ An.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 17-10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện khẩn số 1864/CĐ-TTg, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo cấp ngay khoản kinh phí mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã quyết định để hỗ trợ hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh ngày 7-10 (Quảng Bình 100 tỷ đồng, Hà Tĩnh 100 tỷ đồng). Đồng thời, Cục Dự trữ quốc gia xuất, cấp bổ sung ngay cho hai tỉnh Quảng Bình 1.000 tấn gạo và Hà Tĩnh 1.000 tấn gạo, để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ.
|
Người dân Quảng Bình chống chọi với nước lũ |
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tai nạn thương tích và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an đã có Công điện khẩn chỉ đạo Công an các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam tích cực tham gia sơ tán dân trong vùng lũ, thường trực phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Bộ Công an cũng đã cử đoàn công tác do Thiếu tướng Phạm Quang Cử, Phó Trưởng ban, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật dẫn đầu, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng kiểm tra, chỉ đạo và đôn đốc công tác đối phó với mưa lũ tại tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tai nạn thương tích và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an yêu các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến mưa lũ và kịp thời báo cáo về Thường trực Ban Chỉ đạo, để tổng hợp báo cáo với Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và lãnh đạo Bộ.
G.N
(Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc