Multimedia Đọc Báo in

Indonesia đối mặt với thảm họa

10:47, 02/11/2010
Sau khi núi lửa Merapi phun trào lần thứ tư hôm 1-11, giới chức Indonesia thông báo có thêm 21 núi lửa khác tại nước này đang hoạt động âm ỉ với mức độ ngày càng tăng dần.
AP dẫn lời ông Syamsul Rizalcho, một chuyên gia núi lửa của chính phủ, cho hay giới chức Indonesia đã nâng mức cảnh báo đối với 129 núi lửa khác, trong đó hai ngọn núi có khả năng phun trong hai tuần tới và 19 núi đang rung chuyển ngày càng mạnh.
Dung nham và khói phun ra từ núi lửa Merapi hôm 1-11
Dung nham và khói phun ra từ núi lửa Merapi hôm 1-11
Trong khi đó, hiện vẫn chưa có thông tin về thương vong trong vụ phun trào mới nhất của núi lửa Merapi trên đảo Java hôm 1-11, song ít nhất 38 người thiệt mạng trong ba lần phun trào vào tuần trước của ngọn núi lửa  này. Các tiếng nổ lớn phát ra từ núi lửa Merapi kèm theo nhiều đám mây tro bụi khổng lồ. Từ những trại sơ tán cách núi lửa vài ki-lô-mét người ta vẫn nghe thấy những tiếng nổ. Khoảng 69.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực xung quanh núi lửa Merapi. Giờ đây khu vực đó bị bao phủ bởi một lớp tro bụi màu xám.
Indonesia có nhiều núi lửa hoạt động âm ỉ trong lòng đất tại mọi thời điểm, song Gede Swantika, một nhà  nghiên cứu núi lửa khác của chính phủ, khẳng định rằng thông thường chỉ có 5 tới 10 núi lửa có nguy cơ phun trào ở mức báo động cấp 3. Vì thế, việc 22 núi lửa hoạt động âm ỉ cùng lúc hiện nay cho thấy hoạt động địa chất đang tăng. Pall Einarsson, một nhà địa vật lý của Đại học Iceland, nhận định hoạt động địa chất gia tăng có thể là dấu hiệu cho thấy các núi lửa tác động tới nhau. Đây là giả thuyết rất mới đối với các chuyên gia núi lửa, song giới khoa học đã tìm thấy nhiều bằng chứng về tác động qua lại giữa các ngọn núi lửa gần nhau.
Một trận động đất tại Trung Quốc
Một trận động đất tại Trung Quốc
Trong khi đó, Giáo sư Tso-Chien Pan, Giám đốc Viện Quản lý các nguy cơ thảm họa thuộc Trường Đại học Nanyang, Singapore, cảnh báo châu Á cần chuẩn bị các biện pháp đối phó với một trận động đất lớn sắp xảy ra để có thể cứu sống hàng nghìn người. Lời cảnh báo trên được đưa ra trong nghiên cứu với nhan đề "Đừng để quá muộn: Hãy chuẩn bị đối phó với một trận động đất lớn sắp xảy ra ở châu Á," được công bố tại hội nghị khu vực của Mạng lưới tri thức phát triển toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) ở Seoul, Hàn Quốc. Nghiên cứu trên cho thấy hoạt động địa chấn tại các thành phố lớn ở châu Á nằm gần các đường kiến tạo đứt gãy của vỏ Trái Đất như thủ đô Manila của Philippines, Jakarta của Indonesia, thủ đô Tokyo và thành phố Kobe của Nhật Bản, đang tăng lên. Nếu xảy ra một trận động đất mạnh 8,5 độ Richter ở một trong số các thành phố này, nó có thể làm hàng triệu người thiệt mạng, khoảng 5% các toà nhà cao tầng bị sập hoàn toàn và 50% các công trình xây dựng bị phá hủy.
G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc