Multimedia Đọc Báo in

Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý và bản đồ địa hình cho các tỉnh Tây Nguyên

15:39, 07/06/2011

Sáng 7-6, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị bàn giao cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý và bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 cho 5 tỉnh Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cùng đại diện lãnh đạo, sở ngành  5 tỉnh  đã về dự.

Cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/10.000 được xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính của 5 tỉnhTây Nguyên: Dak Lak, Lâm Đồng,  Gia Lai, Kon Tum, Dak Nông gồm 1.229 mảnh bản đồ tỷ lệ 1/10.000 được thành lập theo công nghệ sử dụng sản phẩm bản đồ địa hình lập năm 2005 kết hợp với điều vẽ bổ sung, sử dụng công nghệ thông tin địa lý trên cơ sở áp dụng các quy định của Chuẩn thông tin địa lý cơ sở Quốc gia. Đây là cơ sở dữ liệu nền cơ bản cho các chuyên ngành, lĩnh vực như xây dựng, giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, môi trường… có thể sử dụng để xây dựng cở sở dữ liệu riêng phục vụ cho chuyên ngành.

IMG_7775.JPG
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại hội nghị
Các sản phẩm được bàn giao cho các tỉnh Tây Nguyên gồm: cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/10.000 đóng gói theo đơn vị hành chính tỉnh theo khuôn dạng GIS phổ biến nhất hiện nay; Bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 dạng số được lưu trữ theo đơn vị mảnh, mỗi mảnh bao gồm 7 file tương ứng với 7 nội dung: cơ sở toán học, dân cư, giao thông, địa hình, thủy hệ, ranh giới, thực vật với 1.118 mảnh; bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 dạng in trên giấy, số lượng tương ứng với bản đồ địa hình số; mô hình số độ cao đóng gói theo mảnh bản đồ 1/50.000 gồm 97 mảnh.
Đại diện
Đại diện lãnh đạo sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Tây Nguyên ký biên bản bàn giao
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh: Đây là bộ cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý đầu tiên được xây dựng theo tiêu chuẩn của ngành Đo đạc Bản đồ Việt Nam, cũng là mốc quan tọng đánh dấu sự chuyển đổi từ chỗ chỉ thành lập bản đồ địa hình in trên giấy truyền thống sang tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Trên cơ sở dữ liệu nền này từng tỉnh sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý và điều hành phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và khu vực.
 Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc