Multimedia Đọc Báo in

Lần đầu tiên Việt Nam có bản quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia đầy đủ và toàn diện nhất

09:28, 24/07/2011

Ngày 22-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1216/2011/QĐ/TTg phê duyệt quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2020. Quy hoạch này được các nhà quản lý  đánh giá là bản quy hoạch chiến lược phát triển nhân lực đầy đủ và toàn diện nhất kể từ năm 1975 tới nay mà Chính phủ thực hiện.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị  quy hoạch phát triển nhân lực vùng Tây Nguyên
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị quy hoạch phát triển nhân lực vùng Tây Nguyên

 

Mục tiêu tổng quát phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 là đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, nâng trình độ năng lực cạnh tranh của nhân lực nước ta lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, trong đó một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới.

 

Phấn đấu đến năm 2015, Việt Nam sẽ đạt 55% tỷ lệ lao động qua đào tạo; 40% tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề; 300 sinh viên ĐH, CĐ trên 10 nghìn dân; 5 trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế (đến năm 2020 là trên 10 trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế và trên trường đại học xuất sắc trình độ quốc tế); 100.000 giảng viên ĐH, CĐ…

 

Để phát triển nhân lực, những giải pháp đột phá được thực hiện bao gồm: Đổi mới nhận thức về phát triển và sử dụng nhân lực; đổi mới căn bản quản lý nhà nước về phát triển và sử dụng nhân lực. Cùng với đó, tập trung xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm như: Xây dựng một số cơ sở đào tạo bậc đại học và dạy nghề đạt trình độ quốc; đổi mới đào tạo và chính sách sử dụng cán bộ, công chức; xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo và chính sách trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt là hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong quản lý hành chính, ngoại giao và kinh tế đối ngoại, quản trị kinh doanh, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, tư vấn hoạch định chính sách, pháp lý, y học, văn hóa, nghệ thuật; thực hiện đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; triển khai quyết liệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành một nước mạnh về CNTT - truyền thông”, trong đó phát triển và đảm bảo nhân lực là giải pháp hàng đầu…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Chiến lược này là Chiến lược tổng hợp cấp quốc gia để định hướng, làm cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình và đề án phát triển nhân lực của các ngành, chuyên ngành, tổ chức và các địa phương.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về bản quy hoạch này: "Chúng ta lần đầu tiên có một đầu bài, mục tiêu rõ ràng về nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như từng ngành, địa phương. Khi có đầu bài rồi, ngành giáo dục và đào tạo, ngành dạy nghề và các ban, ngành phối hợp thực hiện làm cho việc đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước".

 

 Nguồn GD&TĐ

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc