Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội và thách thức khi dân số thế giới đạt mốc 7 tỷ người

14:26, 31/10/2011
Hôm nay (31-10), dân số toàn cầu đã đạt đến con số 7 tỷ người tạo nên nhiều cơ hội cho một thế giới phát triển, thịnh vượng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ cho nhân loại.

Trong một báo cáo công bố ngày 30-10, Quĩ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) cho hay khả năng có được một tương lai thịnh vượng, bền vững và lành mạnh sẽ phụ thuộc vào việc thế giới hành động ra sao trước những thách thức như sự xuống cấp của môi trường và suy thoái kinh tế.

Báo cáo của Liên hiệp quốc coi sự kiện thế giới đạt 7 tỷ người là một thành công và chỉ ra những tiến bộ của loài người. Tuổi thọ trung bình của thế giới đã tăng từ 48 tuổi vào những năm đầu thập kỷ 50 lên khoảng 68 tuổi như hiện tại. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng giảm từ mức 133/1.000 ca sinh nở trong thập kỷ 50 xuống còn 46/1.000 ca trong 5 năm vừa qua.
Việt Nam đang có cơ hội lớn khi dân số đang bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Ảnh minh họa
Việt Nam đang có cơ hội lớn khi dân số đang bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Ảnh minh họa


Trung bình, một người phụ nữ trước đây có khoảng 6 con và con số này hiện tại đã giảm quá nửa xuống còn 2,5. Nguyên nhân của điều này một phần là do tăng trưởng kinh tế nhưng cũng nhờ phụ nữ hiện nay được tiếp cận dễ dàng hơn với giáo dục, nguồn thu nhập khá hơn và được chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt hơn.

Hơn thế, dân số thế giới vẫn còn rất trẻ. Những người dưới 25 tuổi chiếm 43% dân số toàn cầu, tại một số nước, tỷ lệ này là trên 60%. Đây sẽ là nguồn nhân lực cực kỳ quý giá cho sự phát triển của nhân loại. Theo TS. Babatunde Osotimehin, Giám đốc điều hành của UNFPA, nếu biết lập kế hoạch và đầu tư đúng đắn vào con người giúp họ nâng cao năng lực thì thế giới 7 tỷ người sẽ phát triển thịnh vượng, lực lượng lao động dồi dào và nhóm dân số có thể mang lại cuộc sống hạnh phúc cho toàn nhân loại.

Tuy nhiên, 7 tỷ người là một thách thức không hề nhỏ cho toàn nhân loại vì với tốc độ gia tăng dân số hiện tại, mỗi năm dân số thế giới sẽ tăng 78 triệu người, chủ yếu tại các nước kém phát triển. Sự bất bình đẳng giới, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng và nguy cơ mất an ninh lương thực, thiên tai đang đe dọa toàn cầu…Chưa bao giờ lại có nhiều người trở nên dễ bị tổn thương với các vấn đề như mất an ninh lương thực, thiếu nước và thiên tai như hiện nay.  Trong khi đó, những nước giàu lại đối mặt với nguy cơ tỷ lệ sinh thấp, suy giảm và già hóa dân số.

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Time, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho rằng đứa bé được chọn là công dân thứ 7 tỷ sẽ sinh ra trong thế giới đầy bất trắc và mâu thuẫn. Ở nhiều nơi, người ta hưởng thụ những điều xa hoa, đắt tiền nhất nhưng song song đó là những người cùng khổ, trong đó có 1 tỷ người nhịn đói để qua ngày. Vì thế, ngày 31-10-2011 là thời điểm để tất cả thay đổi và hành động. Thay đổi theo hướng tốt hơn hay tồi tệ hơn, tùy thuộc mỗi người.

Cứ mỗi một giây trôi qua, thế giới chào đón thêm 2 trẻ chào đời. Nếu không có thay đổi trong chính sách của từng quốc gia thì khó có thể lạc quan khi dân số thế giới dự kiến đạt mốc 9 tỷ vào năm 2050 và 10 tỷ người vào năm 2100. Tốc độ tăng dân số của thế giới quá nhanh nếu nhìn lại con số 1 tỷ người năm 1805. Vì vậy để bảo đảm một tương lai ổn định cần phải có hoạch định và đầu tư ngay lúc này.

Tại Việt Nam, mức tăng trưởng dân số đã giảm đáng kể từ 1,7% trong giai đoạn 1989-1999 xuống còn 1,2% trong giai đoạn 1999-2009. Mặc dù tỷ suất sinh đã giảm dưới mức sinh thay thế nhưng dân số sẽ tiếp tục tăng khoảng 9 triệu người trong vòng 10 năm tới do đà tăng dân số. Đồng thời, do mức sinh và mức chết giảm đi đáng kể trong khi tuổi thọ tăng lên, nhóm dân số cao tuổi đang ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, cùng với những thách thức, sự kiện dân số thế giới 7 tỉ người cùng tạo ra những cơ hội đối với Việt Nam. UNFPA nhận định, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng với nhóm dân số trẻ lớn nhất trong lịch sử. Hiện nay, nhóm dân số từ 10 - 24 tuổi, chiếm gần 1/3 dân số cả nước. Thời kỳ dân số vàng tiếp tục duy trì, Việt Nam có cơ hội tận dụng nguồn nhân lực dồi dào này bằng việc đảm bảo mọi thanh niên được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giáo dục và đào tạo. Điều này giúp họ chuẩn bị tốt hơn để có thể đóng góp đáng kể tới tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việt Nam phải nắm bắt thời cơ bằng cách đẩy mạnh đào tạo, dạy nghề, tạo công ăn việc làm có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường lao động. Nếu không lao động dôi dư, nhàn rỗi sẽ nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội. Không đẩy mạnh đào tạo, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động lớn nhưng giá trị thấp cũng không tạo sức bật cho phát triển kinh tế

Giang Nam
(Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc