Chính phủ đồng ý với mức tăng giá viện phí mới
10:04, 17/02/2012
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo đồng ý với đề nghị điều chỉnh giá các dịch vụ y tế ban hành tại Thông tư liên bộ số 14/TTLB năm 1995 và một số dịch vụ ban hành năm 2006 của Bộ Y tế làm việc với các bộ ngành liên quan để ban hành văn bản trong khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3-2012; trong đó lưu ý công tác tuyên truyền cần thạc hiện chủ động trước đối với cơ quan báo chí và người dân để tạo sự đồng thuận.
445 dịch vụ y tế được tăng giá
Thời gian tới, bệnh nhân nằm ghép giường sẽ được giảm giá tiền giường bệnh |
Theo Bộ Y tế, mức thu dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) hiện nay quá thấp, chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, trong số khoảng 3.000 dịch vụ y tế đang thực hiện, có khoảng 350 dịch vụ được ban hành kèm theo Thông tư 14 từ năm 1995 đến nay đã 16 năm, khoảng 2.700 dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư số 03 từ năm 2006 đến nay cũng đã 6 năm nhưng đều chưa được điều chỉnh. Nhiều dịch vụ chỉ thu bằng 30%-50% chi phí trực tiếp theo thời giá năm 1995, trong khi các yếu tố chi phí đầu vào để bảo đảm hoạt động của bệnh viện từ năm 1995 và năm 2006 đến nay tăng nhiều lần, tiền lương tối thiểu đã tăng 6,9 lần (từ 120.000 lên 830.000 đồng), mức đóng bảo hiểm y tế tăng (từ 3% lương lên 4,5% lương), chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố tăng khoảng 3,4 lần. Ngoài ra, nhiều khoản chi mới phát sinh theo yêu cầu phát triển của xã hội nhưng chưa được tính vào mức thu (chi phí xử lý chất thải; chi phí hấp sấy, tiệt trùng; duy tu, bảo dưỡng tài sản thiết bị bị xuống cấp nhanh)...
Chính vì vậy, Bộ Y tế đã đề xuất tăng giá 445 dịch vụ y tế. Trong đó, công khám bệnh sẽ điều chỉnh từ 3.000 đồng/lượt lên tối đa 20.000 đồng (tuyến Trung ương) và giảm dần theo các tuyến, 15.000 đồng (tuyến tỉnh), 10.000 đồng (tuyến huyện), 5.000 đồng (trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực chưa phân hạng)... Giá giường bệnh thông thường được tính từ 10.000 đến 18.000 đồng/ngày, các chuyên khoa đặc biệt là 20.000 đồng/ngày giường hồi sức đặc biệt mức tối đa là 160.000 đồng. Giá này được tính với tỷ lệ một người trên một giường bệnh, còn với những bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép 2 – 3 người/giường sẽ giảm bớt. Theo lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, giá viện phí này được xây dựng trên cơ sở thực tiễn từ y tế tuyến xã, huyện, tỉnh chứ không dựa vào đề xuất của các bệnh viện đầu ngành ở Trung ương như trước đây.
Hiện nay, trên 60% dân số đã có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nếu không điều chỉnh giá thì bệnh viện không có nguồn kinh phí để thực hiện KCB, nâng cao chất lượng dịch vụ cho người bệnh có thẻ BHYT. Trước mắt chỉ điều chỉnh giá khám bệnh, ngày giường bệnh và các dịch vụ đã ban hành giá tại Thông tư 14 từ năm 1995 và một số dịch vụ đã ban hành giá từ năm 2006 nhưng đến nay đã quá lạc hậu. Việc điều chỉnh dựa trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ, chưa tính khấu hao tài sản cố định, tiền lương, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị có giá trị lớn.
Người bệnh sẽ không phải nộp thêm chi phí
BHXH Việt Nam khẳng định, khi áp dụng giá viện phí mới, người bệnh sẽ không phải nộp thêm bất cứ khoản nào cho cơ sở khám bệnh. Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng, nếu thu tiền vì dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu tự chọn của người bệnh là mang tính tự nguyện, nhưng cũng dịch vụ đó đã được trả viện phí ở mức tính đúng, tính đủ mà thu thêm tiền là vô lý.
Để quyền lợi của người bệnh không bị ảnh hưởng khi thực hiện giá viện phí mới và dịch vụ y tế được thanh toán theo giá trị thực, trong năm 2012, BHXH Việt Nam sẽ triển khai phương thức giám định hồ sơ theo tỉ lệ xác suất tại 15 tỉnh, thành phố sau khi thí điểm thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh. Giám định viên sẽ chọn ngẫu nhiên 10% - 20% số hồ sơ các khoa của bệnh viện để giám định. Nếu chỉ một hồ sơ bệnh án có dấu hiệu lạm dụng hoặc bệnh viện thu thêm tiền của người bệnh sẽ bị xử phạt, thậm chí cơ quan bảo hiểm sẽ không trả khoản viện phí đó cho phía cơ sở y tế. Tổng giám đốc BHXH đã chỉ đạo phải thiết lập đường dây nóng sao cho thuận lợi để người dân phản ánh thông tin; tổ chức nhiều kênh thu thập thông tin, đề nghị người dân phản ánh đến cán bộ bảo hiểm khi bệnh viện có dấu hiệu không minh bạch. Đồng thời, BHXH cũng sẽ đổi mới phương pháp giám định, nếu các cơ sở khám chữa bệnh vẫn tái diễn việc thu thêm tiền của người bệnh, gia tăng tiêu cực có thể bị BHXH áp dụng biện pháp xử lý mạnh là cắt hợp đồng KCB BHYT.
Năm 2012 sẽ chưa tăng mức đóng BHYT
Trong cuộc gặp gỡ báo chí vào chiều 14-2, ông Phạm Lương Sơn cho biết, việc tăng viện phí sẽ tác động mạnh đến nhóm bệnh nhân chưa có BHYT và người nghèo. Vì vậy, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, khi tăng viện phí, đối với nhóm người nghèo, diện gia đình chính sách thì vẫn duy trì đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT (từ mức 5% đến 20%). Trường hợp mức đồng chi trả lớn, cần nghiên cứu để có biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, giúp các nhóm này giảm bớt khó khăn. Chính phủ đề nghị có thể hoàn lại một khoản kinh phí trong số 5% phí khám bệnh bảo hiểm mà họ phải chi trả. Trong trường hợp mức chi trả quá 6 tháng lương cơ bản, những đối tượng khó khăn sẽ được hỗ trợ từ quỹ khám chữa bệnh dành cho người nghèo.
Hiện Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 139 để hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn trong chi trả viện phí, các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, có chi phí điều trị lớn như: ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim…; đồng thời yêu cầu các bệnh viện trích một phần nguồn thu để lập quỹ hỗ trợ cho một số trường hợp khó khăn. Đối với người thuộc hộ cận nghèo (khoảng 6,6 triệu người), từ năm 2012 Chính phủ đã nâng mức hỗ trợ lên 70% mức đóng BHYT (thay vì 50% như trước đây) để khuyến khích đối tượng này tham gia BHYT. Ông Phạm Lương Sơn cũng khẳng định, việc thực hiện chính sách viện phí mới sẽ có lợi cho cả bệnh viện và người bệnh BHYT bởi mức giá mới sẽ được Quỹ BHYT thanh toán, chấm dứt tình trạng “phụ phí” mà bệnh nhân vẫn phải trả suốt thời gian qua. Ông Sơn còn cho biết, năm 2010 và 2011, Quỹ BHYT tiếp tục kết dư gần 7.000 tỷ đồng nên trong năm 2012 sẽ chưa tăng mức đóng BHYT.
Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là một đòi hỏi thực tế, khách quan, có tác động tích cực nhiều mặt. Cụ thể: người bệnh sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn do bệnh viện có kinh phí để phục vụ người bệnh tốt hơn; BHYT thanh toán mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh có thẻ BHYT đối với các dịch vụ mà trước đây giá thấp, bệnh viện phải thu thêm của người bệnh phần quỹ BHYT không thanh toán; các cơ sở y tế, bệnh viện sẽ có kinh phí để thực hiện dịch vụ, duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, buồng bệnh góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ; thúc đẩy xã hội hóa y tế; tạo điều kiện để các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến dưới có kinh phí để phát triển kỹ thuật, triển khai các kỹ thuật mới, đưa dịch vụ y tế về gần dân...
Kim Oanh
(Tổng hợp từ báo chí trong nước)
Ý kiến bạn đọc