Nghị quyết 03/NQ-CP: Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất.
Ngày 8-2-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 03/NQ-CP (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2012) yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ...
Theo đó, triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2012: tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bảo đảm sản lượng, chất lượng cà phê phục vụ xuất khẩu- Ảnh minh họa |
Trước mắt, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn tín dụng cho các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động; có phương án giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngay trong quý I-2012; theo dõi sát tình hình để có phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý vào thời điểm phù hợp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là từ các tập đoàn đa quốc gia; bảo đảm vốn đầu tư những công trình thiết yếu phục vụ dân sinh và sản xuất; phối hợp với Bộ Tài chính có giải pháp huy động vốn đối ứng cho các dự án ODA; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn trong nước với nhiều hình thức đầu tư, đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách liên quan; rà soát, phân loại các doanh nghiệp khó khăn để đề xuất chính sách phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp sớm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh; triển khai kế hoạch phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012 ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Có phương án giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngay trong quý I.2012 - Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất giải pháp và lộ trình phù hợp thực hiện điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế giá thị trường; chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hỗ trợ gạo thường xuyên cho học sinh dân tộc thiểu số tại các trường bán trú khu vực miền núi và vùng đặc biệt khó khăn. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp phát triển mạnh thị trường trong nước, tăng sức mua của người dân, đưa hàng hóa, dịch vụ về nông thôn, phát triển các hình thức tín dụng tiêu dùng, đổi mới các kênh mua, bán, phân phối hàng hóa dịch vụ; chống đầu cơ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo, phát huy tối đa lợi thế của sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, duy trì và nâng cao tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng kinh tế; trước mắt, tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân đạt và vượt kế hoạch đề ra; đẩy mạnh công tác phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Xây dựng và phát triển các cụm liên hoàn kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng đề án sắp xếp các nông, lâm trường trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chủ động, sâu sát nắm tình hình đời sống nhân dân, tình trạng thiếu đói trong mùa giáp hạt, nhất là đối với các hộ gia đình chính sách, đồng bào nghèo, đồng bào bị thiệt hại do thiên tai để có biện pháp cứu trợ cần thiết, kịp thời; rà soát tình hình lao động, việc làm để có giải pháp giải quyết, hỗ trợ phù hợp; phối hợp với cơ quan chức năng nắm chắc tình hình lao động thất nghiệp, chỉ đạo việc thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp công bằng, đúng đối tượng; tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động....
L.N
Ý kiến bạn đọc